Nạn bắn giết học đường ở Mỹ: Có thể dự báo và ngăn chặn?

Nạn bắn giết học đường ở Mỹ: Có thể dự báo và ngăn chặn?

Sau vụ sinh viên Cho Seung Hui thảm sát 32 người rồi tự sát ở Đại học Virginia vừa qua, những vấn đề lớn đang được đặt ra. Đó là người ta có thể lập được “mô hình” các vụ bắn giết học đường với những dấu hiệu chung của kẻ sát nhân để có thể ngăn chặn kịp thời?

  • Những đặc điểm chung
Nạn bắn giết học đường ở Mỹ: Có thể dự báo và ngăn chặn? ảnh 1

Sát thủ Kimveer Gill (trái) và Cho Seung Hui.

Nhà tâm lý học Robin Kowalski – Đại học Clemson, bang Nam Carolina, đồng tác giả một công trình nghiên cứu về các vụ bắn giết học đường – cho BBC biết, các vụ này thường có 5 đặc điểm tương đồng chính.

Đầu tiên là có một sự chối bỏ nào đó gây đau khổ cho thủ phạm (chẳng hạn bị người yêu bỏ, bị trêu chọc, bắt nạt...) trước khi hắn giết người. Trong video của Cho, hắn cho rằng mình đang bị chối bỏ khi nói: “Các người đã phá hoại trái tim ta, cưỡng bức tâm hồn ta và hành hạ lương tâm ta”. Cho cũng gọi các bạn học là “hỗn xược” và “hợm hĩnh”...

Thứ hai là sự đam mê súng đạn. Có vẻ Cho đã thu thập vũ khí trong thời gian dài. Trong video, hắn mặc áo xạ thủ, đội nón bóng chày đen, đeo găng, tay vung vẩy súng.

Thứ ba là sự quan tâm tới cái chết. Những kẻ này luôn nghĩ và nói về cái chết. Những vở kịch của Cho viết cho thấy hắn rất mê chủ đề này.

Thứ tư là những vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Cho từng bị cáo buộc đeo bám 2 nữ sinh viên và phải điều trị tâm thần hồi năm 2005. Lúc đó có lo ngại rằng Cho có xu hướng tự tử. Theo AFP, ông Steve Hinshaw, trưởng khoa tâm lý Đại học California Berkeley, cho rằng, khó chẩn đoán chính xác về Cho qua vài đoạn video, nhưng hành động và lời nói cho thấy hắn có thể đang bị bệnh vĩ cuồng nặng, cũng có thể bị suy sụp hoặc tâm thần phân liệt.

Thứ năm là nhiều vụ bắn giết học đường đều được thủ phạm lên kế hoạch trước, còn để lại “di chúc” diễn tả sự giận dữ cực độ. Cho trong vụ Đại học Virginia, Eric Harris và Dylan Klebold trong vụ thảm sát Columbine, Kimveer Gill trong vụ bắn giết hàng loạt tại một trường học ở Canada... đều như thế. Cho có thể đã lên kế hoạch trước đó hơn một tháng khi mua súng. Hắn cũng bắt đầu quay video ít nhất 6 ngày trước vụ bắn giết. “Di chúc” của Harris, Klebold và Kimveer để lại qua Internet, còn Cho qua video. Trong video, Cho còn gọi những thủ phạm vụ Columbine là “tử vì đạo”; kiểu cách của Cho trong video cũng giống ảnh Kimveer trên website của tên này, cùng kiểu vung vẩy súng, dao.

  • Có “mô hình” nhưng khó ngăn chặn?

Hồi năm 2002, Cục Mật vụ Mỹ (USSS) có một nghiên cứu lớn về 37 vụ bắn giết học đường để tìm hiểu “mô hình” những sát thủ tuổi đến trường. Theo đó, phần lớn vụ do những kẻ cô độc đang bất bình điều gì đó, hơn một nửa số vụ là để trả thù. Người ta cũng thấy, các tên sát nhân không đột nhiên hành động, chúng lên kế hoạch trước và thường thích kể cho một người bạn nghe trước khi hành động. Trong 75% số vụ, có ít nhất một người lớn đã tỏ ý lo ngại về tên sát nhân trước vụ bắn giết do nhận thấy những hành vi bất thường của hắn. Như Cho, đã có các bài luận gây lo ngại tới mức hắn từng được khuyên phải đi tư vấn tâm lý.

Theo tiến sĩ tâm lý Scott Poland, thuộc trường Nova Southeastern ở Fort Lauderdale, một chuyên gia về các vụ bắn giết học đường: “Vấn đề chính hiện nay là tìm hiểu nguyên nhân hành động của Cho. Tuy nhiên, cả trong những vụ bắn giết học đường mà thủ phạm còn sống, vẫn còn nhiều dấu hỏi chưa được giải đáp về hành vi của chúng”.

Theo bà Kowalski, khó chỉ ra cá nhân nào có thể gây những vụ tương tự trong những điều kiện nào đó, bởi không phải hội đủ dấu hiệu là sẽ thành sát nhân. Việc nhà chức trách có thể biết trước những vụ đang được sát thủ lên kế hoạch để tìm cách ngăn chặn vẫn còn là câu hỏi.

Hồng Chuyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục