Tình trạng mất trộm dây chiếu sáng công cộng trên địa bàn TPHCM thời gian qua không những không bớt đi mà thậm chí còn “dữ dằn” hơn, năm sau mất nhiều hơn năm trước.
Chiều hướng đáng ngại
Thời gian qua việc mất cắp dây điện chiếu sáng công cộng (CSCC) diễn ra ngày càng nhiều hơn ở nhiều địa phương khắp thành phố, trong đó những “điểm nóng” rơi vào các quận huyện như Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức… Hầu hết các vụ cắt trộm dây điện CSCC đều xảy ra ở địa bàn các huyện ngoại thành hoặc các quận mới, xa trung tâm thành phố đã đành mà còn xa cả khu dân cư tại địa phương. Vậy là đã rõ, “con mồi” lý tưởng cho kẻ cắp chính là những chỗ vắng người, khu đồng trống, tường thành trong khi thời điểm dễ xảy ra trộm cắp là lúc đêm khuya.
Chỉ tính riêng 3 quận là các quận 2, 9 và Thủ Đức, khối lượng dây CSCC bị kẻ trộm “khoắng” đi trong năm 2011 đã lên tới hơn 51.000m dây các loại, giá trị bằng tiền tương đương 9,6 tỷ đồng! Đó là một sự “tăng trưởng” đáng buồn nếu biết rằng con số mất cắp của năm 2010 chỉ là 39.400m dây và của năm 2009 còn ít hơn nữa, khoảng 16.964m. Các địa phương khác như Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 cũng chẳng khá hơn được bao nhiêu.
Thiệt hại từ những vụ cắt trộm này nhiều khi rất nặng nề khi mà hệ thống viễn thông bị gián đoạn, hệ thống chiếu sáng ở địa phương bị vô hiệu hóa, rồi sau đó cơ quan chức năng phải khổ công khôi phục đường dây, vừa tốn kém về tài chính, vừa mất thời gian, công sức.
Kém hiệu quả vì địa phương thờ ơ
Trước tình hình này, một số biện pháp kỹ thuật đã được các Khu Quản lý Giao thông Đô thị (KQLGTĐT) trực thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM triển khai áp dụng. Có thể nhắc đến những biện pháp như buộc chặt dây nguồn chiếu sáng vào đầu trụ bê tông, lấy nhiều đoạn dây cáp thép ngắn buộc chặt thêm vào các móc đỡ dây tại các đầu trụ bê tông, còn gọi là “nóp dây”; lắp thử nghiệm ở một số nơi hệ thống báo động bằng điện tử: khi kẻ trộm cắt trộm dây, còi sẽ tự động hú vang đồng thời báo tin đến số điện thoại đã được cài đặt sẵn; ngầm hóa bê tông hệ thống dây hạ tầng kỹ thuật…
Trong các biện pháp ấy, cách ngầm hóa hệ thống dây cáp được nhiều người xem là an toàn nhất, hiệu quả nhất và trong thực tế, đúng là ở những đoạn, những nơi đã ngầm hóa thì hoàn toàn không còn xảy ra cắt trộm nữa. Thế nhưng hạn chế lớn nhất của biện pháp này là đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thường gấp khoảng 3 đến 3,5 lần so với dây kéo nổi.
Mặc dù các KQLGTĐT liên tục đưa ra các giải pháp đối phó với tình trạng, thế nhưng hiệu quả đạt được trong thực tế chưa cao. Sự kém hiệu quả đó bắt nguồn từ sự thiếu phối hợp hoặc phối hợp chưa rốt ráo của chính quyền các quận huyện. Bởi vì bất kể sự phân công phân cấp nào, trách nhiệm chính vẫn thuộc về chính quyền các địa phương. Thực tế cho thấy, địa bàn nào chính quyền địa phương “chịu” tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, chốt chặn tốt thì địa bàn đó ít bị xảy ra mất cắp dây CSCC hơn.
Còn về lâu về dài thành phố cũng cần từng bước ngầm hóa các đường dây hạ tầng kỹ thuật, theo chiều hướng đối với những công trình lắp đặt mới, thi công mới thì đều phải ưu tiên ngầm hóa, mặc dù sẽ tốn kém hơn đi nổi nhưng tốn kém một lần để sau này không phải tốn công tốn của khôi phục những đoạn bị cắt trộm.
Cũng có ý kiến cho rằng cần quản lý chặt các điểm thu mua ve chai, phế liệu. Chính quyền địa phương cần yêu cầu, ràng buộc những nơi này không mua dây cáp điện thoại, dây điện, dây CSCC. Một khi “đầu ra” không có, kẻ trộm cũng không còn “đất” để… hành nghề!
| |
Thiện Nhân