Còn hơn 2 tháng nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021. Sự kiện chính trị quan trọng này diễn ra trong bối cảnh các địa phương, đơn vị đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; thực hiện bầu cử theo Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội - đại biểu HĐND các cấp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Việc tổ chức thành công bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn để giới thiệu cho cử tri bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, là góp phần nâng cao năng lực, hoạt động hiệu quả của Quốc hội và HĐND các cấp.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp diễn ra đúng luật, đảm bảo dân chủ, nâng cao chất lượng người đại biểu dân cử, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt, thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, dân chủ, đúng quy trình trong công tác bầu cử. Kinh nghiệm cho thấy, tập trung lãnh đạo tốt ngay từ công tác chuẩn bị nhân sự theo quy trình là khâu then chốt bảo đảm thành công trong công tác bầu cử.
Do vậy, yêu cầu đặt ra cho các cấp ủy Đảng là không giới thiệu, đưa vào danh sách ứng cử người có một trong các khuyết điểm: biểu hiện cơ hội chính trị; bản lĩnh chính trị không vững vàng, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; người thiếu chính kiến, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải.
Lãnh đạo tốt công tác nhân sự chính là bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Muốn vậy phải gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Công tác hiệp thương lựa chọn giới thiệu ứng cử đại biểu của Mặt trận có vai trò hết sức quan trọng. Đây là quá trình kết hợp giữa việc thực hiện chế độ tập trung, dân chủ và chế độ hiệp thương dân chủ, bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đạt được sự đồng thuận của các thành viên trong Mặt trận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức đơn vị được giới thiệu để cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
Nếu làm chặt chẽ, nghiêm túc công tác hiệp thương 3 vòng theo quy định sẽ lựa chọn được những ứng cử viên ưu tú nhất. Bên cạnh đó, tổ chức tốt việc lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú và nơi làm việc, đồng thời tạo điều kiện để nhân dân xem xét, đối thoại với ứng cử viên trong vận động tranh cử để cử tri xem xét, lựa chọn bầu đại biểu. Các ứng cử viên đưa ra bầu phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai tại địa phương nơi cư trú, tại các cơ quan để nhân dân biết giám sát, lựa chọn và có phản hồi kịp thời, giúp cho các tổ chức chọn người xứng đáng, đúng với cơ cấu và tiêu chuẩn quy định. Giữa cơ cấu và tiêu chuẩn cần đặt tiêu chuẩn, chất lượng lên hàng đầu thì mới lựa chọn giới thiệu để nhân dân bầu được những người có đức, có tài làm đại biểu, xứng đáng là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội và cơ quan quyền lực ở địa phương.
Để người dân hiểu đầy đủ về đại biểu ứng cử, từ đó có quyết định sáng suốt về người đại diện cho mình thì cần tạo mọi điều kiện cho các đại biểu ứng cử được tiếp xúc với cử tri của mình nhiều hơn. Giữ mối liên hệ gắn bó với cử tri không phải chỉ khi đại biểu đã được cử tri bầu vào cơ quan dân cử, mà phải được bắt đầu từ khi họ là ứng cử viên đại biểu. Cử tri đủ tỉnh táo, sáng suốt để lựa chọn, bầu những đại biểu thực sự đủ phẩm chất đạo đức, có năng lực, bản lĩnh, tâm huyết, hành động theo ý chí, nguyện vọng, nhất là sẵn sàng bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân tới cùng. Cử tri sẽ không bầu những người không dám nói tiếng nói của lòng dân hoặc chỉ nói để lấy lòng, nói theo và không biết nói gì. Chính vì thế, trọng trách lớn nhất mà mỗi ứng cử đại biểu là họ mang theo trong hành trang làm chức năng đại biểu của mình đó là đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri. Trong vai trò ấy, tiếng nói của họ không phải là tiếng nói của địa phương, của ngành, lĩnh vực mình mà là tiếng nói của cử tri, tiếng nói của cuộc sống. Vì thế, một trong những đòi hỏi lớn lao nhất đối với ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đó là gắn bó mật thiết với cử tri.
Lãnh đạo tốt công tác hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử và tổ chức thành công việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp sẽ góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, nâng cao ý thức trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân hướng tới ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
TUẤN SƠN