Nâng cao chất lượng tăng trưởng

Hôm nay 8-7, kỳ họp lần thứ 14 Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa VIII khai mạc, trong bối cảnh tình hình kinh tế của đất nước và TP có xu hướng phục hồi với nhiều điểm sáng tích cực. Nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao, sức cạnh tranh thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa mạnh, cải cách hành chính chậm… cùng với những tác động bất lợi của những diễn biến phức tạp, khó lường ở biển Đông, đòi hỏi phải có những giải pháp, chính sách, sự tập trung trong chỉ đạo, điều hành, chủ động ứng phó với bất ổn và tạo ra bước phát triển mới.

Trong kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của cả nước, TP là nơi đạt tốc độ tăng trưởng khá, GDP tăng 8,2%, thu ngân sách tăng 14,9%, thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 1,08 tỷ USD, hạ tầng giao thông được cải thiện, các mặt văn hóa, xã hội… có tiến bộ. Tuy nhiên, tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự phấn đấu không chỉ về chỉ tiêu, tốc độ tăng trưởng mà phải thật sự quan tâm về chất lượng tăng trưởng, trong đó coi trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển những ngành công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, chăm lo cho an sinh xã hội và cải cách hành chính.

Vừa qua, lãnh đạo TP đã thể hiện sự sâu sát, thường xuyên lắng nghe, đồng hành với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo ra sự phối hợp, liên kết, xử lý có hiệu quả trên một số lĩnh vực về đầu tư, sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường… nhưng cần có sự tập trung hơn cho những ngành, những sản phẩm chủ lực, tạo sự chuyển biến rõ nét đối với những ngành công nghiệp hỗ trợ, xem đây là vấn đề cốt lõi nhằm chuyển nền kinh tế gia công sang sản xuất. Trong chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, có coi trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TP, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp và những ngành có giá trị xuất khẩu lớn. Trước yêu cầu phát triển nhanh chóng các ngành công nghiệp hỗ trợ, nghiên cứu giao cho những doanh nghiệp nhà nước làm nhiệm vụ này, nhất là những doanh nghiệp có điều kiện đầu tư sản xuất linh kiện, nguyên phụ liệu…

Trong tình hình hiện nay, cần quan tâm tiếp sức cho doanh nghiệp nội địa, bởi vì phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Trong đó có nhiều doanh nghiệp không đủ tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, khó tiếp cận với vốn ngân hàng. Chính quyền TP thúc đẩy hơn nữa sự liên kết giữa ngân hàng, các nhà khoa học với người sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng có sự chọn lựa đối với những tập đoàn lớn, những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, không chỉ thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm mà còn giúp nâng cao kỹ năng lao động, chuyển giao công nghệ. Tạo điều kiện hướng tới xây dựng cụm liên kết ngành và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, mở rộng cơ hội kết nối vào mạng sản phẩm toàn cầu. Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, chủ động ứng phó với những bất ổn của thị trường và chủ động hơn khi chúng ta hội nhập sâu rộng, cùng làm ăn với những đối tác lớn nhất thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam - EU… làm đa dạng hóa các thị trường tiềm năng.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, không chỉ giảm thời gian giải quyết hồ sơ liên quan đến thủ tục đầu tư mà còn liên quan đến những thủ tục về thuế, hải quan, lao động… làm sao cho hệ thống pháp luật, và những quy định vận hành một cách minh bạch, không bị hạch sách, nhũng nhiễu. Phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những khâu, những trường hợp lạm dụng chức quyền gây trì trệ, tiêu cực.

Cùng với việc thúc đẩy quá trình phát triển cần giám sát chặt chẽ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong chi tiêu công, chi phí quản lý doanh nghiệp nhà nước…

Hy vọng các đại biểu sẽ quan tâm xem xét, quyết định những vấn đề đặt ra nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng. Với thực tiễn năng động, sáng tạo của TP, sẽ tiếp tục góp phần có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của khu vực và cả nước trước đòi hỏi mới.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục