Kiểm sát viên tham gia đến mức độ nào?
Thảo luận tại hội trường về sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự trong phiên họp sáng 25-11, nhiều ĐBQH nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng xét xử án dân sự.
ĐB Hà Công Long (Gia Lai) đề nghị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tham gia 100% số vụ án dân sự (lâu nay chỉ tham gia nếu xét thấy cần thiết) để đảm bảo thực hiện tốt chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Ông cho rằng, kiểm sát viên cần thể hiện quan điểm của mình về nội dung bản án.
Cũng với mong muốn nâng cao chất lượng xét xử án dân sự, song ĐB Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) lại có quan điểm khác: “Việc đại diện Viện Kiểm sát tham gia tất cả vụ án là một bước tụt lùi. Tôi cho rằng kiểm sát viên không nhất thiết phải tham gia tất cả các vụ việc dân sự. Đơn cử như khi giải quyết việc thuận tình ly hôn, sự tham gia của kiểm sát viên chẳng những không cần thiết mà còn làm phức tạp, rối rắm hơn, thời gian giải quyết lâu hơn, thậm chí vi phạm quyền riêng tư của đương sự”.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lý giải thêm: “Hiện nay tranh chấp về kinh tế là việc rất phổ biến ở trong các doanh nghiệp nhà nước đối với tư nhân, thậm chí đối với doanh nghiệp nước ngoài; nếu để cho các vị này thỏa thuận tự quyết với nhau thì tôi hơi e ngại. Cho nên, đối với những vụ án tranh chấp một bên là doanh nghiệp nhà nước với một bên khác thì cần nhấn mạnh vai trò của Viện Kiểm sát”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến ĐB nhận xét, quy định về nghĩa vụ chứng minh và xuất trình chứng cứ của đương sự như dự thảo luật chỉ phù hợp các nước phát triển. “Ở nước ta, thói quen mua bán trao tay nhiều tài sản có giá trị như nhà đất vẫn còn phổ biến thì ngay cả cơ quan điều tra cũng gặp khó khăn khi thu thập, xác minh chứng cứ. Nếu muốn đảm bảo chất lượng xét xử thì vẫn phải giao cho tòa án tiến hành”, ĐB Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị.
Liên quan đến thủ tục xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, bà Trần Thị Phương Hoa cho rằng, quy định điều kiện xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm như dự thảo luật là quá đơn giản. Việc bổ sung cơ chế xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao cũng được đại biểu đề nghị phải cân nhắc thận trọng và có sự tham gia của các ủy ban của Quốc hội.
Cũng về vấn đề này, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng khẳng định: “Trong chế độ chúng ta không thể thấy việc rõ ràng sai, thiệt hại cho công dân mà lại bảo đến đó là dừng. Nhưng để cho chặt chẽ, chỉ có trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Tư pháp giám sát thấy có vấn đề thì lúc đó Tòa án Nhân dân tối cao mới tiến hành việc xem xét lại”.
Về định giá tài sản, nhiều ý kiến thống nhất giao cho cơ quan định giá độc lập, có chuyên môn để giảm tải cho tòa án. Trong trường hợp không thể tìm được cơ quan này, tòa mới phải lập Hội đồng định giá, nhưng chủ tịch hội đồng này phải là người am hiểu về tài chính.
Nên mở để HTX phát triển
Trăn trở với nhiều vấn đề có tính nguyên tắc xuyên suốt của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) như bản chất cốt lõi của kinh tế hợp tác, đường hướng phát triển của mô hình kinh tế này trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam..., hầu hết các ĐB đều phát biểu dài hơn thời gian quy định, nhiều ĐB đăng ký phát biểu tới 2 lần.
ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) thẳng thắn nhận định, Ban soạn thảo dường như nhìn nhận chưa đúng bản chất cốt lõi của kinh tế hợp tác. đó là sự hợp tác bình đẳng và lâu dài, dẫn đến việc đưa vào dự thảo luật một số quy định có thể dẫn đến việc làm méo mô hình, hạn chế phạm vi hoạt động, thậm chí gây bế tắc kéo dài đối với mô hình này. Một trong những quy định đó, theo ông, là giới hạn cung cấp không quá 40% hàng hóa dịch vụ ra ngoài cộng đồng. ĐB Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) đồng tình: Nhiều quy định trong dự thảo có thể ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến hoạt động của các HTX.
Tán thành phải sửa đổi Luật Hợp tác xã 2003 một cách toàn diện, nhưng ĐB Cao Thành Văn (Bạc Liêu) chưa đồng tình với nhiều quy định mà ông cho là máy móc và xa rời thực tiễn trong dự thảo luật. Đơn cử là các nội dung về điều kiện thành viên, chấm dứt tư cách thành viên, phân chia tài sản. “Nên mở để HTX phát triển chứ không nên tiếp tục thắt lại như dự thảo luật. Còn muốn tránh tình trạng lợi dụng các ưu đãi của Nhà nước dành cho HTX thì phải sử dụng các chính sách pháp luật khác, chẳng hạn như chính sách thuế”, ĐB Cao Thành Văn nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội trường không chỉ với tư cách của ĐBQH mà còn gửi đến QH tiếng nói đại diện cho một HTX đang hoạt động trong cơ chế thị trường, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) cho rằng, trong tình hình hiện nay, chưa nên e ngại chuyện HTX kinh doanh đa ngành đa nghề. Đồng tiền liền khúc ruột, nên để Hội đồng thành viên HTX quyết định nên sử dụng đồng vốn của chính mình như thế nào.
Trên cơ sở nghiên cứu mô hình HTX ở nhiều nước trên thế giới, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa 6 vấn đề mang tính quan điểm, không sửa không thể có luật tốt.
Theo dự kiến, dự án luật sẽ được QH tiếp tục góp ý, chỉnh sửa trước khi xem xét thông qua tại kỳ họp sau.
Anh Thư