Nâng cao giá trị đặc sản Việt

Sau lúa gạo và hơn cả lúa gạo, chỉ trong một thập niên, con cá tra đã vươn lên đỉnh vinh quang mà không bất kỳ cây, con nào đạt tốc độ phát triển nhanh như thế. Sản lượng tăng hơn 50 lần, kim ngạch xuất khẩu hơn 65 lần, chiếm 99% thị phần cá tra, cá basa toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD, tạo việc làm cho hàng chục triệu công nhân, người nuôi và “lao động phụ trợ” khác.

So với sản xuất lúa gạo, làm bài toán đơn thuần, thì sản xuất cá tra có giá trị hơn nhiều. Xuất khẩu 1 tấn gạo chỉ khoảng 400 - 500 USD, tức 1 kg gạo thu 0,4 - 0,5 USD. Trong khi giá 1 kg phi lê cá tra 3 - 4 USD, hơn gần 10 lần. Nông dân nuôi cá tra năng suất cao, 1ha mặt nước đạt năng suất 300 - 400 tấn, coi như đứng đầu thế giới. Về mặt dinh dưỡng học, ngành này đang đáp ứng xu thế ẩm thực mới, cung cấp lượng thịt trắng, an toàn, ít bị nhiễm kháng sinh, dư lượng hóa chất độc hại.

Nhưng đằng sau ánh hào quang “vượt vũ môn” của loài “đế ngư” đặc hữu vùng sông nước Mê Công này là thách thức mới trước yêu cầu phát triển bền vững. Vòng bơi trồi sụt của “kình ngư” dường như đang lặp lại lịch sử khủng hoảng của năm 2008, từng làm người nuôi lao đao, sản xuất chế biến đình đốn. Chính phủ phải thực thi “Chiến dịch giải cứu cá tra”. Các nhà hoạch định chính sách giựt mình bắt tay làm quy hoạch vùng nuôi, chế biến và xuất khẩu cho con cá mà nhiều năm trước đó người ta hầu như để mặc cho nó tự bơi.

Lịch sử đã tái diễn, nhưng lần này còn đáng lo ngại hơn khi nguy cơ chực chờ cảnh “chết chìm” của nhiều doanh nghiệp, vỡ nợ của hàng trăm nông dân, làm đổ vỡ một ngành kinh tế vừa tỏa sáng ánh hào quang của kỳ tích.

Từ đầu năm 2013, giá cá tra liên tục sụt giảm. Gần đây, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL có nhích lên chút ít, nhưng chỉ cần tính rợ theo kiểu nông dân, người nuôi đã phải chịu lỗ ngay trong ao nhà. Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho biết giá thành sản xuất trong quý 1-2013 dao động 23.000 - 24.500 đồng/kg, trong khi giá cá nguyên liệu chỉ 20.000 - 22.500 đồng/kg, người nuôi lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg; sang quý 2 và đầu quý 3 này, người nuôi tiếp tục lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kg khi giá thành sản xuất dao động 22.000 - 24.000 đồng/kg nhưng giá bán chỉ 19.000 - 20.000 đồng/kg.

Cảnh “treo ao”, nhà máy sản xuất cầm chừng hoặc cho công nhân nghỉ việc diễn ra thường xuyên. Dư luận đang rất quan tâm và lo ngại về tương lai nghề nuôi cá tra vốn nổi tiếng thế giới hơn thập niên qua.

Nguyên nhân được nhận diện là giá thị trường xuống thấp, thiếu vốn, “hiệu ứng đôminô” lây lan khi doanh nghiệp, người nuôi cá, đại lý cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản, ngân hàng nợ nần dây chuyền, chiếm dụng vốn lẫn nhau. Ngoài ra, con cá tra vẫn đang đứng trước nguy cơ bị một số tổ chức, quốc gia dọa bằng các chiêu bài “đút vào, rút ra” danh sách “khuyến cáo người tiêu dùng”, hạn chế hay cấm nhập khẩu như họ đã làm mấy năm trước đây.

Điều kỳ lạ là Việt Nam đang nắm giữ 99% thị phần cá tra toàn cầu, xét về mặt kinh tế học, ta đang nắm giữ độc quyền cung ứng sản phẩm đặc hữu này cho cả thế giới tiêu dùng cá tra. Nhưng tại sao “nhà độc quyền” không có quyền quyết định giá bán, thị trường, nguồn cung và làm chủ thị phần?

Lý do là con cá tra được chặt ra làm nhiều khúc và việc liên kết các “mắt xích” lại, phân chia công bằng và làm sao cho từng khúc cá đó to hơn, ngon hơn, để nông dân, những người vất vả nhất trong chuỗi giá trị không phải gặm phần xương thiệt thòi, đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Muốn giải bài toán này phải liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa “luật chơi” trong “sân chơi cá tra” để các doanh nghiệp Việt Nam ứng xử và liên kết lại, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài.

Phải có lộ trình “cải tổ” ngành sản xuất cá tra theo hướng “liên kết chuỗi giá trị ngành hàng”; phát huy vai trò của hiệp hội ngành hàng này, tiến tới thành lập sàn giao dịch cá tra hoạt động thực chất và hiệu quả.

TRẦN HỮU HIỆP

Tin cùng chuyên mục