Nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa phẩm

Mùa lễ tết cuối năm luôn đem đến cho thị trường sự chộn rộn, tấp nập các hoạt động mua bán và vui chơi giải trí. Bây giờ hầu hết những mặt hàng, kể cả các sản phẩm văn hóa có tính định hướng thẩm mỹ cũng đều được tính đến lợi nhuận. Chính vì vậy mà vấn đề quản lý văn hóa phẩm, đặc biệt là trong dịp chuẩn bị mừng năm mới càng trở nên cần thiết để tránh cho thị trường văn hóa bị lệch chuẩn, thiếu yếu tố lành mạnh.

Văn hóa phẩm xuất hiện trên thị trường ngày càng phong phú, đa dạng, nhưng tựu chung có mấy nhóm sản phẩm chính: Băng đĩa, sách báo, lịch, tranh vẽ, phim ảnh, hàng trang trí nghệ thuật… Thường những sản phẩm này chứa đựng giá trị tinh thần nhiều hơn giá trị vật chất, bởi nó có tác động tức thời và hiệu quả về tư tưởng, tình cảm của những người tiếp cận, sử dụng chúng. Trước đây, người ta hay gọi sản phẩm văn hóa là loại “hàng hóa đặc thù” để nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa riêng có của nó. Và như thế vấn đề quản lý nhà nước đối với hàng hóa này cũng phải tuân thủ theo hướng đặc thù.

Ở tầm vĩ mô, nhà nước đã ban hành Nghị định 100 - CP thống nhất quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm để ngăn chặn những dòng sản phẩm độc hại mang danh văn hóa xâm nhập vào nước ta, đồng thời khuyến khích đưa văn hóa phẩm tốt ra thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, thanh bình và thân thiện. Bộ VH-TT trước đây (nay là Bộ VH-TT-DL) cùng với các tỉnh, thành trong cả nước thường xuyên chỉ đạo việc phát triển sản xuất kinh doanh văn hóa phẩm lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng cao của công chúng, đủ sức cạnh tranh với văn hóa phẩm nước ngoài; đồng thời quyết liệt bài trừ các loại văn hóa phẩm độc hại trên thị trường theo tinh thần Nghị định 87/CP, 88/CP, Chỉ thị 814/TTg của Thủ tướng Chính phủ và những văn bản pháp luật sau đó.

Nhưng hiện nay có một thực tế, trong khi siết chặt việc thẩm định, cấp phép các chương trình băng đĩa ca nhạc thì lại có phần “thả nổi” băng đĩa lậu, để tình trạng sao chép không bản quyền tràn lan, tùy tiện phát hành album trên mạng âm nhạc trực tuyến. Điều đó đã làm cho các hãng sản xuất băng đĩa trước đây vốn đã lao đao, nay còn có dấu hiệu như cỗ xe lao dốc không phanh.

Những tồn tại trên thị trường văn hóa phẩm càng phức tạp khi người ta phát hiện các vụ việc: phát hành truyện tranh manga Nhật Bản mang nhiều hình ảnh kích thích về giới tính, triển lãm tranh khỏa thân, chụp ảnh nude, thay đổi ca từ bài hát, các chương trình ca nhạc hải ngoại thiếu chọn lọc được in hàng loạt, phát hành công khai tại chợ băng đĩa Huỳnh Thúc Kháng… Thực tế đó đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý văn hóa phẩm đang có lỗ hổng.

Trước thực trạng này, cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, thanh - kiểm tra thường xuyên những khu vực trọng điểm, cán bộ quản lý không những cần có cái tâm vì sự phát triển văn hóa dân tộc, mà còn phải có kiến thức nhất định về văn hóa nghệ thuật để thẩm định chính xác giá trị các loại văn hóa phẩm trước khi cho phép phát hành rộng rãi đến công chúng.

Bất kỳ một quốc gia nào cũng có tiêu chuẩn đánh giá về văn hóa nghệ thuật riêng, phù hợp với luật pháp nước sở tại, đúng với quan điểm, lối sống của xã hội; những sản phẩm văn hóa muốn được phổ biến rộng rãi ra công chúng cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đó. Thế nên việc phân biệt đúng hay sai, nên hay không nên phải dựa vào luật lệ cụ thể, tiêu chí rõ ràng, trên tinh thần khách quan, vô tư.

Công tác quản lý văn hóa phẩm, đặc biệt trong giai đoạn mới phải nhằm mục đích thúc đẩy tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa phong phú, hấp dẫn công chúng, có chất lượng cao, có giá trị tư tưởng tốt và mang tính nhân văn sâu sắc.

X. THÁI

Tin cùng chuyên mục