Nâng cao mức sống gia đình chính sách, có công: Tình cảm và trách nhiệm

“Cần câu” thiết thực
Nâng cao mức sống gia đình chính sách, có công: Tình cảm và trách nhiệm

Từng cơ bản hoàn thành mục tiêu nâng cao mức sống của gia đình chính sách bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng địa bàn cư ngụ, tuy nhiên, trong khó khăn của nền kinh tế, một bộ phận người có công ở TPHCM vẫn đang nghèo. Kế thừa truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, bằng tình cảm và trách nhiệm, TPHCM đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo chăm lo thiết thực cho các gia đình chính sách có công thuộc diện hộ nghèo, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống.

Vợ chồng ông Nguyễn Tấn Tài tràn đầy hy vọng vào chiếc xe nước mía - phương tiện sinh kế do quận 8 tặng.

Vợ chồng ông Nguyễn Tấn Tài tràn đầy hy vọng vào chiếc xe nước mía - phương tiện sinh kế do quận 8 tặng.

“Cần câu” thiết thực

Sáng 24-7, mân mê, dò dẫm sử dụng chiếc máy làm nước mía mới vừa được UBND quận 8 trao tặng, ông Nguyễn Tấn Tài (ngụ phường 15, quận 8, TPHCM; thân nhân liệt sĩ), nói “yêu”: “Tất cả đều trông chờ vào cái máy này!”. Trước đó, cùng với thù lao ba cọc ba đồng từ việc nấu tiệc thuê của vợ, dù đã 70 tuổi, ông Tài vẫn dãi dầu mưa nắng cày từng cuốc xe ôm mỗi ngày để nuôi người con gái bị khuyết tật cùng 2 cháu nội. Thu nhập phập phù, giờ giấc thất thường, khó bề coi sóc gia đình khiến vợ chồng già canh cánh nỗi lòng.

Ái ngại trước tình cảnh của ông, sau khi xây dựng nhà tình nghĩa, giúp gia đình có chỗ ở khang trang, để giải quyết bài toán kinh tế gia đình, địa phương đã tư vấn, khuyên vợ chồng ông nên tận dụng lợi thế sân nhà nằm ngay trước chợ, chuyển sang bán nước mía. Kèm theo lời tư vấn miễn phí là quà tặng sinh kế bằng chính chiếc xe bán nước mía và bộ đồ nghề với tổng giá trị khoảng 10 triệu đồng. “Từ nay, vừa có công việc nhẹ nhàng, phù hợp với tuổi tác, lại lai rai có đồng ra đồng vào và tiện bề chăm sóc con cháu” - ông Tài tin tưởng.

Tùy từng hoàn cảnh, UBND quận 8 có cách hỗ trợ “cần câu” phù hợp. Gia đình ông Võ Văn Be (ngụ quận 8; thân nhân liệt sĩ) có người con là Võ Văn Cư (SN 1963) làm nghề hớt tóc dạo được hỗ trợ bộ đồ nghề hớt tóc trị giá khoảng 10 triệu đồng để mở tiệm hớt tóc tại nhà, nâng cao thu nhập.

Với anh Nguyễn Văn Lượm (thương binh 2/4, ngụ quận 8), có vợ bị khuyết tật và 3 con, trong đó có 2 con nhỏ đi học, cũng đang và sẽ được hỗ trợ nhiều mặt: trao học bổng cho 2 con nhỏ, vận động người con lớn đi học nghề trang điểm miễn phí và địa phương cũng đang tìm mạnh thường quân đỡ đầu cho gia đình anh Lượm. Tất cả 20 hộ vừa là gia đình chính sách, vừa là hộ nghèo ở quận 8 đang nhận được sự hỗ trợ thiết thực, góp phần ổn định và nâng cao mức sống của gia đình.

Các gia đình chính sách còn khó khăn ở quận 1 cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bà Phạm Thị Cho (mẹ liệt sĩ, 75 tuổi, ngụ 114/33 Đề Thám, quận 1), tuổi cao, sức yếu. Gia đình có hai người con (1 trai, 1 gái) bị bệnh tâm thần. Theo nguyện vọng của gia đình, UBND quận 1 đã sắp xếp cho chị Nguyễn Thị Phương Thảo (39 tuổi, con gái út, giáo viên) được dạy học ở gần nhà, để tiện chăm sóc mẹ già cùng anh chị bệnh tật.

Quan tâm “2 trong 1”

Bà Trần Thị Trung, Trưởng phòng LĐTB-XH quận 12, cho biết, quận còn 39 gia đình chính sách nằm trong diện hộ nghèo. Nhiều cách chăm lo như cho vay vốn tự tạo việc làm, học nghề, hỗ trợ sinh kế, tặng vật dụng gia đình chính sách khó khăn… được thực hiện lồng ghép vào các hoạt động của chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá. Nhờ đó, nhiều gia đình chính sách đã vượt khó vươn lên như anh Châu Văn Ngọc (SN 1962, ngụ phường An Phú Đông, quận 12).

Trở về nhà với 32 vết thương khắp trong người, anh Ngọc phải đồng hành cùng đôi nạng gỗ suốt 3 năm liền. Không những đau nhức khi trái gió trở trời, nằm trong ngôi nhà tạm bợ dột nát nhìn rõ cả nắng mưa, trong lòng anh thương binh còn nỗi lo về một cuộc chiến với cái đói cái nghèo. Được phường giúp vay vốn (ban đầu 10 triệu đồng, sau đó là 20 rồi 30 triệu đồng), anh Ngọc bắt đầu kinh doanh cây kiểng và xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi heo. Ban đầu, anh vừa làm việc nhà vừa xin làm công cho vườn cây kiểng khác để học hỏi kinh nghiệm.

Lấy ngắn nuôi dài, sau nhiều năm gầy dựng vườn cây, chuồng trại, giờ đây, anh đã phát triển vườn cây kiểng của mình trở nên đa dạng, phong phú với hàng ngàn chậu kiểng các loại và hơn chục chuồng nuôi heo với 8 con heo nái, 100 con heo thịt; thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Theo bà Trần Thị Trung, dự kiến cuối năm 2012, quận 12 cơ bản giúp các hộ gia đình chính sách thoát nghèo.

Năm 2005, cùng với nhiều địa phương, quận 8 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu nâng cao mức sống của gia đình chính sách bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng địa bàn cư ngụ. Sau nhiều lần “bão giá”, chuẩn nghèo của TPHCM cũng nâng lên nên quận 8 hiện vẫn còn 20 hộ thuộc diện gia đình chính sách nằm trong diện nghèo.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND quận 8, chia sẻ, quận luôn ưu tiên chăm sóc, cải thiện đời sống tinh thần, vật chất cho 20 hộ gia đình “2 trong 1” nói trên và dự kiến cuối năm sẽ có 12 hộ vươn lên thoát nghèo.

“Do tình hình lạm phát, giá cả biến động ảnh hưởng đến đời sống các hộ chính sách nên năm 2012, UBND TPHCM sẽ khảo sát lại thực trạng đời sống của các hộ chính sách có công trên địa bàn để có biện pháp hỗ trợ, chăm lo tốt hơn” - ông Huỳnh Thanh Khiết, Trưởng phòng Chính sách có công, Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết.

Đường Loan

Mức trợ cấp còn thấp

Khi chúng tôi ghé thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chinh (ngụ huyện Củ Chi, TPHCM), một tình cảnh khiến ai cũng ngậm ngùi: Mẹ Chinh tuổi đã cao, đau bệnh và thường nằm một chỗ còn người con gái cứ sụt sùi nước mắt. Ai hỏi vì sao khóc, người con gái thứ 6 đang chăm sóc mẹ cũng chỉ lắc đầu, quay đi. Còn lại một mình, chị chia sẻ: Mức trợ cấp, phụ cấp của Mẹ Việt Nam anh hùng được khoảng 3 triệu đồng/tháng; mẹ Nguyễn Thị Chinh cũng được một đơn vị nhận phụng dưỡng vừa tăng tiền phụng dưỡng (từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng/tháng). Chị cận kề chăm sóc mẹ đêm hôm, không làm thêm được việc gì nên cả hai mẹ con chỉ biết trông chờ vào khoản trợ cấp, hỗ trợ 4 triệu đồng đó. Trong khi, riêng đồ dùng vệ sinh cho mẹ đã hết 1,7 triệu đồng/tháng, chỉ còn lại 2,3 triệu đồng cho mọi khoản chi thuốc men, bồi dưỡng cho mẹ khiến chị khó xử vô cùng.

Theo các cán bộ chính sách có công, qua nhiều đợt điều chỉnh, việc áp dụng mức chuẩn để tính trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng theo quy định hiện nay chưa theo kịp tình hình kinh tế - xã hội, còn thấp so với mức chi tiêu, nhất là ở thành phố. Mức trợ cấp này không thể đảm bảo ổn định đời sống cho diện chính sách, đặc biệt, những đối tượng này phần lớn đã già yếu, quá tuổi lao động, thu nhập chủ yếu từ trợ cấp của nhà nước. Việc xây dựng chính sách ưu đãi đối với người có công mà cụ thể là điều chỉnh mức trợ cấp để họ có mức sống trung bình hoặc cao hơn mức sống của người cùng cư trú trên địa bàn dân cư phải mang ý nghĩa to lớn.

Trợ cấp ưu đãi cần được xem là nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà nước, là sự tôn vinh của toàn xã hội bởi sự cống hiến hy sinh của người có công là vô giá, không gì có thể bù đắp được. Vì thế, việc điều chỉnh trợ cấp cần nhanh chóng, kịp thời sao cho phù hợp với mức sống của xã hội; đồng thời nên quy định về hệ số ưu đãi cho từng khu vực vì ở một số TP lớn, mức tiêu dùng cao hơn nhiều so với nhiều nơi khác.

M.Hòa

Tin cùng chuyên mục