Nâng cao nhận thức tác hại bom mìn là cấp bách

Sáng 29-10, Hội nghị Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo lần thứ 3 do Việt Nam và Ấn Độ đồng chủ tọa khai mạc tại TP Huế với sự tham dự của đại diện 18 nước thành viên (10 nước ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ) cùng Ban thư ký ASEAN.

(SGGP).- Sáng 29-10, Hội nghị Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo lần thứ 3 do Việt Nam và Ấn Độ đồng chủ tọa khai mạc tại TP Huế với sự tham dự của đại diện 18 nước thành viên (10 nước ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ) cùng Ban thư ký ASEAN.

Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá hợp tác trong Nhóm chuyên gia về Hành động mìn nhân đạo nói riêng và trong khuôn khổ ADMM+ nói chung đang có những tiến triển tích cực. Với Việt Nam, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của bom mìn, vật nổ vẫn tác động xấu tới môi trường an ninh, dân sinh và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Quốc gia về khắc phục bom mìn, vật nổ sau chiến tranh và Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam trực thuộc Chính phủ được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2014 với chức năng là cơ quan chủ trì, tổ chức các hoạt động liên quan đến công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Hiện Việt Nam cơ bản đã hoàn thành bản đồ ô nhiễm bom mìn và sẽ sớm chính thức công bố vào thời gian tới. Bên cạnh đó, nhóm đối tác về khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm 2015. Trong quá trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, phía Việt Nam nhận thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tăng cường nhận thức cho cộng đồng về phòng tránh tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra, có vai trò hết sức quan trọng và cấp bách. Đây cũng là lý do mà bên lề hội nghị lần này, Việt Nam đứng ra tổ chức một sự kiện truyền thông quốc tế lớn về hành động mìn nhân đạo để giới thiệu về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh của Việt Nam, đồng thời góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn đề này.

Trong phiên thứ hai do Ấn Độ chủ trì, các đại biểu thảo luận hợp tác về hành động mìn nhân đạo trong thời gian tới. Đoàn Việt Nam đã đề xuất một số sáng kiến được đánh giá cao như: nghiên cứu xây dựng trung tâm huấn luyện rà phá bom mìn (trên cạn, dưới nước, dưới biển) ở quy mô cấp khu vực; trao đổi chuyên gia, trao đổi nghiên cứu; hợp tác tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học song phương và đa phương. Trong chương trình hội nghị còn có triển lãm sản phẩm, công nghệ, trang thiết bị rà phá bom mìn tiên tiến; trình diễn rà phá bom mìn dưới nước; tham quan trường học (kết hợp giới thiệu về công tác giáo dục, tuyên truyền cho trẻ em về nguy cơ bom mìn và biện pháp phòng tránh) và truyền thông về hành động mìn nhân đạo. Hội nghị kết thúc vào ngày 30-10.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục