Hội thảo về biển Đông với chủ đề “Lịch sử, kinh tế quân sự và truyền thông về biển Đông” đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris, Pháp dưới sự chủ trì của nhóm “Biển Đông tại Pháp” phối hợp với Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam (AVSE) và Hội Sinh viên Việt Nam (UEVF) tại Pháp.
Hội thảo đã cung cấp nhiều kiến thức cơ bản và những chứng cứ xác thực, để hiểu về các đề tài “lịch sử, kinh tế, quân sự và truyền thông” nhằm khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các diễn giả đã trình bày nhiều tham luận giới thiệu một cách khái quát về địa chính trị, địa kinh tế và tầm quan trọng của khu vực biển Đông, cũng như những tiềm năng, vai trò của biển Đông. Các tham luận cũng đề cập đến những tranh chấp và một số vấn đề liên quan đến an ninh và quốc phòng trên biển Đông.
Đề cập đến các tranh chấp ở khu vực biển Đông, đặc biệt chủ quyền và lợi ích của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do các tranh chấp tại khu vực biển Đông, các diễn giả như Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE và nhóm “Biển Đông tại Pháp”, Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, thành viên nhóm trên và Quỹ Nghiên cứu biển Đông, cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của biển và đại dương, vì thế khai thác biển trở thành một “chiến lược của hầu hết các quốc gia có hoặc không có bờ biển”.
Riêng đối với Việt Nam, biển Đông có vai trò rất lớn với sự phát triển nền kinh tế biển (chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội của cả nước). Ngoài ra, biển Đông còn là điều kiện để Việt Nam phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy, hải sản, du lịch, dầu khí, giao thông vận tải, đóng tàu… Vì vậy, bảo vệ chủ quyền vùng biển quốc gia của Việt Nam không chỉ là bảo vệ an ninh và quốc phòng của đất nước mà còn bảo vệ, phát huy và phát triển tiềm năng kinh tế biển.
Theo các diễn giả, để tham gia đấu tranh chống lại luận điệu tuyên truyền bóp méo sự thật về chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, mỗi người dân Việt Nam phải nâng cao ý thức tự trang bị những kiến thức và thông tin đúng đắn về chủ quyền tại những khu vực tranh chấp, tăng cường các bài viết bằng nhiều ngôn ngữ để thế giới hiểu đúng đắn về những tranh chấp trên biển Đông cũng như chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp lãnh hải bằng giải pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982.
TTXVN