Nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca đối với người lao động, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI đã ban hành Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động”. Theo nghị quyết, bữa ăn phải đảm bảo có giá trị từ 15.000 đồng trở lên và khuyến khích các doanh nghiệp (DN) nâng mức bữa ăn cao hơn. Quan trọng hơn, công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên có quyền khởi kiện giám đốc DN khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Lo lắng về bữa ăn giữa ca
Đúng 10 giờ 45, tại nhà ăn của Công ty cổ phần APT (Khu công nghiệp Tân Tạo, TPHCM) nồi cơm nóng hổi được nhà bếp mang ra tận bàn, sau đó các công nhân ở từng bộ phận sản xuất thay phiên nhau đến chọn món để ăn bữa giữa ca sớm. Thực đơn bữa ăn giữa ca có đến 4 món mặn: gà kho gừng, cá hường chiên sả, thịt heo kho trứng, thịt xào mắm ruốc. Kèm theo đó là rau xào và canh. Theo công nhân, nhờ có nhiều món để lựa chọn nên bữa ăn không thấy ngán và quan trọng là cơm, thức ăn cũng vừa được chế biến xong, đảm bảo luôn nóng, ngon. Công nhân Nguyễn Thu Hằng cho biết mình an tâm về mặt vệ sinh cũng như chất lượng của bữa ăn do hàng ngày có công đoàn và bộ phận chức năng đi kiểm tra.
Công nhân cần bữa ăn giữa ca đầy đủ chất dinh dưỡng để tái tạo sức lao động
Suất ăn giữa ca của công nhân Công ty APT có giá 15.000 đồng nhưng giá trị thực cao hơn rất nhiều, vì công ty tổ chức bếp ăn tập thể tại chỗ và được hỗ trợ chi phí cơ sở vật chất cho nhà bếp. Trong tuần, công nhân còn có thêm một bữa ăn tươi có giá 20.000 đồng/suất. Theo bà Lê Thị Thùy Trang, Chủ tịch Công đoàn công ty, hàng ngày công đoàn và phòng tổ chức có triển khai lấy mẫu và lưu mẫu để kiểm tra. Đây là cách kiểm soát để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho người lao động.
Việc tổ chức bếp ăn tập thể tại nơi sản xuất như Công ty cổ phần APT không phải DN nào cũng thực hiện được. Có không ít DN phải đặt suất ăn bên ngoài cho công nhân. Việc đặt suất ăn bên ngoài rất khó kiểm soát được nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào, giai đoạn vận chuyển suất ăn từ nơi cung cấp đến công ty cũng nảy sinh các yếu tố mất an toàn, dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao. Bên cạnh đó, chất lượng của suất ăn có khi giá trị rất thấp. Đây cũng chính là vấn đề mà nhiều công nhân cảm thấy lo lắng và mong muốn chất lượng bữa ăn phải được quan tâm.
Với công nhân lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, hoặc trong các khu chế xuất - khu công nghiệp, bữa ăn giữa ca luôn được xem là bữa ăn chính trong ngày của họ. Vì vậy chất lượng bữa ăn cần phải được chủ DN quan tâm thực hiện. Hầu hết công nhân quan tâm đến giá trị suất ăn, sau đó là quy trình chế biến để có một bữa ăn an toàn, hợp vệ sinh, đảm bảo chất lượng để công nhân có nguồn năng lượng tái tạo sức lao động. Thực tế hiện nay, bữa ăn giữa ca của người lao động tại nhiều DN vẫn còn một số tồn tại như: chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động, chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến chưa tốt dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao. Trong quá trình thương lượng thỏa ước lao động tập thể, một số công đoàn cơ sở chưa quan tâm đưa nội dung bữa ăn giữa ca vào nội dung thương lượng và đã xảy ra một số vụ ngừng việc tập thể do chất lượng bữa ăn không đảm bảo. Nhiều nơi, bữa ăn của công nhân chỉ ở mức 10.000 đồng đến dưới 14.000 đồng/phần.
Cần xây dựng bếp ăn tại chỗ
Vừa qua, tại buổi gặp gỡ và tiếp xúc của công nhân với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhiều công nhân cũng bày tỏ sự lo lắng của mình về chất lượng bữa ăn giữa ca. Theo công nhân Trần Thị Hồng Thu, hiện nay bữa ăn giữa ca của anh chị em công nhân chất lượng rất thấp, thực phẩm bẩn bán tràn lan trên thị trường nên công nhân rất lo sợ các DN mua những thực phẩm không đảm bảo chất lượng để phục vụ bữa ăn cho mình.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải công khai giá trị bữa ăn hàng ngày của công nhân như: thực đơn, mức ăn, giá mỗi ký thịt, rau là bao nhiêu để công nhân giám sát. Theo Thủ tướng, trách nhiệm này thuộc về các cấp công đoàn cũng như chủ DN. “Đừng để thất thoát từ quá trình đi chợ, mua bán, chế biến ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của công nhân. Cần phải thay đổi thực đơn thường xuyên để nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca của công nhân. Đây là nhu cầu bức thiết của người lao động. Không có sức khỏe, không có dinh dưỡng thông qua bữa ăn thì công nhân khó có thể tái tạo sức lao động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, có trên 80% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các khu chế xuất - khu công nghiệp là từ các suất ăn nấu sẵn đưa bên ngoài vào. Để đảm bảo suất ăn được kiểm soát tốt từ nguyên liệu đầu vào cho đến chế biến thì cần phải xây dựng bếp ăn tập thể tại chỗ. Bà Huỳnh Mai cho rằng an toàn thực phẩm là một chuỗi, bất cứ công đoạn nào bị hở cũng có thể dẫn đến ngộ độc. Chuỗi này phải được đảm bảo an toàn về nguồn thực phẩm, quá trình chế biến, thời gian chế biến, quy trình bảo quản, dụng cụ đựng, bao gói, môi trường khu vực ăn.
Theo quy định, thức ăn từ khi nấu xong đến lúc ăn không được quá 2 tiếng đồng hồ, nếu quá thời gian này, vi khuẩn sẽ phát sinh trong thức ăn và có thời gian để nhân đủ số lượng có thể gây ngộ độc. Theo thời giá hiện nay, giá trị suất ăn phải từ 15.000 đồng trở lên, suất ăn phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính: đạm, rau xanh, tinh bột và chất béo. Do vậy, nhất thiết nên xây dựng bếp ăn tập thể tại nơi làm việc.
HỒNG HẢI