Theo Bộ LĐTB-XH, đình công tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là tình trạng rất nhức nhối và kéo dài ở nước ta. Vài năm gần đây, mặc dù số vụ đình công có giảm nhưng các mâu thuẫn giữa công nhân và doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn, và thậm chí khi bùng lên còn phức tạp và khó lường hơn do những chính sách về tiền lương, quy định thời gian làm việc, tăng ca kíp trong khi chế độ phụ cấp, hỗ trợ điều kiện làm việc... của doanh nghiệp cho lao động không đảm bảo, tương xứng.
Để hòa giải các mối mâu thuẫn giữa công nhân và doanh nghiệp, lâu nay chúng ta đều đề cao vai trò của các tổ chức công đoàn, trong đó đóng vai trò quyết định là các cán bộ công đoàn cơ sở. Họ là những người sâu sát, gần gũi và hiểu rõ tâm tư cũng như khó khăn, khúc mắc của người lao động nhất. Nhưng thời gian qua, cũng đã có nhiều hoài nghi về vai trò của các tổ chức - cán bộ công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa thực sự vì quyền lợi của công nhân lao động. Lý do, cán bộ công đoàn lại là người được các doanh nghiệp trả lương nên mỗi khi có xung đột giữa lao động và chủ doanh nghiệp thì cán bộ công đoàn thường đứng về phía doanh nghiệp hơn, việc bảo vệ người lao động có khi chỉ là hình thức.
Còn một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận là hiện nay đời sống của công nhân đang gặp khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Theo số liệu và khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn, hơn 81% công nhân được hỏi cho biết doanh nghiệp không có nhà ở cho công nhân và 76,3% doanh nghiệp không hỗ trợ tiền nhà. Trên 90% doanh nghiệp chưa có nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động...
Trong khi đó, bản thân các tổ chức công đoàn cơ sở được thành lập trong chính các doanh nghiệp đó lại chưa thể hiện rõ vai trò và tiếng nói của mình trong việc đại diện và đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho người lao động. Hơn thế, chính quyền một số địa phương cũng chưa thực sự vào cuộc trong việc hỗ trợ công nhân cũng như can thiệp và thỏa thuận cùng doanh nghiệp. Do cách quản lý lỏng lẻo, nhiều nơi vẫn chưa ràng buộc được trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động.
Có nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn nhưng nên bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng cán bộ và công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, cũng theo số liệu khảo sát của Viện Công đoàn và công nhân, năng lực của cán bộ công đoàn cơ sở, cán bộ công đoàn ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của phong trào công nhân, hoạt động công đoàn trong điều kiện hiện nay. Ngay đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách mới có 17,9% đáp ứng được yêu cầu công tác công đoàn, 67% cần đào tạo thêm về lý luận công đoàn và 15% cần bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ.
Thời gian qua, cũng đã có nhiều chuyên gia lao động đề nghị, cần thực hiện mô hình công đoàn cơ sở hoạt động độc lập với doanh nghiệp nước ngoài. Muốn vậy, cán bộ công đoàn phải được hỗ trợ về thu nhập từ ngân sách thay vì dựa hoàn toàn vào doanh nghiệp, do doanh nghiệp tuyển dụng và tất nhiên phải bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, nhiều khi quay lưng với lợi ích của người lao động. Hiện cả nước có hơn 500.000 cán bộ công đoàn. Việc chi trả lương độc lập sẽ đội thêm vào ngân sách và khó khả thi.
Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của các tổ chức công đoàn thì vấn đề rất quan trọng và có sức mạnh là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải mạnh tay hơn trong việc thanh tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm quy định về lao động, tiền lương, chế độ làm việc, điều kiện an toàn... để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động từ tham mưu, đề xuất của tổ chức công đoàn. Một khi cơ quan chức năng còn quản lý lỏng lẻo như hiện nay thì các xung đột giữa lao động và chủ doanh nghiệp còn nổ ra hoặc tiềm ẩn.
Nói như TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn Việt Nam, thực ra luật và chính sách của chúng ta đều đã có và quy định rõ nhưng để hiệu quả thì việc thực thi phải đến nơi đến chốn.
PHÚC HẬU