Nâng chất lượng hợp tác giáo dục Việt - Lào

Hợp tác toàn diện

Thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn từ 2011 - 2020” giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào, từ năm 2011 đến nay, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Hợp tác toàn diện

Trong đào tạo nguồn nhân lực, tính đến cuối năm 2013, tổng số cán bộ, học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo của Việt Nam là 6.493 người (bao gồm lưu học sinh thuộc lực lượng vũ trang và khối đoàn thể chính trị); trong đó 2.409 người thuộc diện được học bổng của hai Chính phủ, 2.818 người theo diện học bổng của các địa phương, 172 người được học bổng tài trợ của các doanh nghiệp, 49 người được học bổng của các tổ chức quốc tế và 1.045 người theo học tự túc. Tính riêng trong năm 2013, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận 433 cán bộ, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, học sinh, con em Việt kiều để đào tạo thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật... nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho phía Lào theo kế hoạch hợp tác năm 2013.

Để tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ cho Lào, từ năm 2011 đến nay Bộ GD-ĐT Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng nhiều dự án lớn, như: Dự án tăng cường cơ sở đào tạo Khoa tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Lào với tổng kinh phí gần 52,2 tỷ đồng; Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Xiêng Khoảng, tổng mức dự toán 63,6 tỷ đồng; Trường THPT Luông - Pha - Băng; Trường THPT Hữu nghị Lào - Việt ở Thủ đô Viêng Chăn.

Nâng cao chất lượng

Theo PGS-TS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam, “Thời gian qua giáo dục Việt Nam - Lào đã có sự hợp tác toàn diện và chặt chẽ. Hai bên cũng đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Song song đó, việc bồi dưỡng tiếng Việt một cách hiệu quả, cùng các chính sách học bổng cho lưu học sinh Lào, đã góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyên môn”.

Tại hội nghị sơ kết hợp tác giáo dục Việt - Lào, hơn 100 đại biểu từ các Sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ Việt Nam đều cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD-ĐT cần đưa ra các tiêu chuẩn tuyển chọn dựa trên năng lực và trình độ tiếng Việt và cân đối lại ngành nghề đào tạo. Đối với tiếng Việt, Bộ GD-ĐT nên có một khung trình độ tiếng Việt chuẩn dành cho lưu học sinh nước ngoài học tiếng Việt.

Với mong muốn thực hiện đề án đạt hiệu quả, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về chuyên môn, PGS-TS Kongsy Sengmany, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa tiếng Việt trở thành ngoại ngữ chính thức trong hệ thống giáo dục của Lào từ lớp 1 đến lớp 12. Đối với các lưu học sinh, chúng tôi sẽ ưu tiên tuyển chọn những sinh viên thật sự có năng lực và đạt chuẩn theo yêu cầu của các cơ sở đào tạo tại Việt Nam, đồng thời sẽ phân bổ chỉ tiêu theo ngành nghề cho sát với nhu cầu thực tế”.

Trong năm 2014, Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ GD-TT Lào tiếp tục thỏa thuận hợp tác như sau: Việt Nam sẽ tiếp nhận 405 cán bộ, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học. Bộ Giáo dục và Thể thao Lào dành 53 học bổng cho cán bộ, học sinh Việt Nam sang học đại học và cao học, nâng cao trình độ tiếng Lào.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục