Nặng lòng với bữa cơm ngon

Trồng rau trên vùng ô nhiễm
Nặng lòng với bữa cơm ngon

Trước tình hình ngộ độc thực phẩm tràn lan khắp nơi, năm 1980, Thủ tướng Chính phủ có ra chỉ thị tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn quốc, áp dụng từ 15-4 đến 15-5. Từ đó đến nay, cứ đến thời gian này, cả nước lại dấy lên phong trào tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi đã đến quận 12, có thể nói là một điểm “nóng” của thành phố về ngộ độc thực phẩm.

Kiểm tra tại một bếp ăn tập thế.

Kiểm tra tại một bếp ăn tập thế.

Trồng rau trên vùng ô nhiễm

Thời gian qua, tại TPHCM tình hình ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tục tại các bếp ăn tập thể, mà quận 12 là điểm “nóng”. Vì quận 12 có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, lực lượng công nhân đông, bếp ăn tập thể nhiều. Kết quả xét nghiệm sau những lần ngộ độc thực phẩm, tác nhân gây ra ngộ độc xuất phát từ các loại rau, trong đó rau muống chiếm đa số. UBND TPHCM đã ban hành chỉ thị 10/2002/CT-UB cho ngành nông nghiệp khảo sát, quy hoạch, chuyển dịch rau màu, rau muống đến khu an toàn. Thế nhưng, diện tích trồng rau trên vùng ô nhiễm không giảm, mà ngày càng nhiều thêm.

Theo số liệu của Sở NN-PTNT TPHCM, tổng diện tích trồng rau muống của thành phố trong các năm trước là 497,15ha, đến năm 2005 còn lại 483,21ha, trong đó diện tích trồng rau trên vùng ô nhiễm cần chuyển đổi là 214,25ha. Vùng canh tác rau muống an toàn được ngành nông nghiệp chọn là xã Thới Tam Thôn (Hóc Môn) và Bình Mỹ (Củ Chi). Tuy nhiên, diện tích rau muống an toàn ở các địa phương trên những năm qua chỉ mới phát triển được 66,10ha, tức chỉ mới hơn 33%. Hiện còn tới 167,67ha rau muống vẫn còn trồng ở một số vùng không an toàn, tập trung ở các quận 12, Bình Tân, Thủ Đức... Phần lớn rau muống trồng ở các khu vực này là những ruộng rau ven các kênh nước đen bị ô nhiễm trầm trọng các chất thải hóa học, hữu cơ, kim loại nặng từ các nhà máy và khu dân cư. Để chống sâu rầy và tăng sản lượng, bà con nông dân sử dụng các loại thuốc trừ sâu hỗn hợp mang nhiều chất độc hại, dùng thuốc tăng trưởng của Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, người trồng còn sử dụng nhớt cặn của xe máy để tưới lên rau vừa chống sâu rầy, lại tăng trưởng nhanh.

Anh Nguyễn Văn Em có 2.000m2 đất ở khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12 đang cho thuê trồng rau muống, cho biết: “Bà con ở miền Bắc vô mướn đất ruộng trồng rau muống nhiều lắm. Ai có đất mà không canh tác là họ tìm đến thuê. Do trồng rau muống sống được, nên họ ùn ùn đưa gia đình, bà con vào mướn đất trồng rau muống”. Theo số liệu trước đây, quận 12 có 69ha trồng rau muống tập trung ở các khu phố 1, 2 thuộc phường Thới An (40ha) phường Thạnh Xuân (29ha) nhưng đến nay con số này đã tăng lên đến gần 100ha. Mặc cho các con kênh đen bao quanh như Tham Lương, Bến Cát, Đá Hàn... các thửa ruộng trồng rau muống ven các kênh rạch này vẫn phủ kín.

Chị Nguyễn Thị Chương, quê ở Tân Yên - Bắc Giang, trú ở khu phố  2, phường Thới An thuê 3 công ruộng cạnh rạch Bến Cát trồng rau nhút và rau muống hơn một năm qua, thấy trồng rau muống dễ sống nên từ năm ngoái đến nay, chị về quê đưa gần cả xóm vào thuê ruộng của nông dân địa phương trong vùng với giá từ 350.000 đến 500.000 đồng/công/tháng để chuyên canh rau muống.

Theo một bác sĩ Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng quận 12, thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành của quận về an toàn vệ sinh thực phẩm, việc chuyển đổi, di dời hàng trăm hécta rau muống ở vùng ô nhiễm này đến nơi quy hoạch an toàn quả là không dễ. Nguyên do tập quán “buôn có bạn, bán có phường”, một số đã định cư ổn định nên khi hỏi sao không di dời theo chủ trương, thì đa số đều trả lời làm đâu quen đó, không muốn chuyển đi nơi khác. Hiện sản lượng rau muống ở vùng này tăng lên đáng kể, từ giữa khuya cho tới sáng, hàng chục tấn rau muống đổ về chợ rau di động dọc cầu Trường Đay (quận 12), ngã tư đường Phạm Văn Chiêu - Lê Văn Thọ (Gò Vấp) để sang lại cho các mối lái trong các chợ nội thành.

Rau muống là thực phẩm rẻ, dễ chế biến và hạp khẩu vị với mọi gia đình nếu không sớm khắc phục, chuyển đổi về trồng ở những vùng đất sạch - an toàn, thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ rất lớn.

Vì bữa cơm ngon

Chúng tôi theo đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của Trung tâm Y tế Dự phòng quận 12, đến kiểm tra Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp Thu Hà tại số 2/4 HT 17 Khu phố 5, phường Hiệp Thành, quận 12. Anh Nguyễn Việt Nam, chủ cơ sở vui vẻ hướng dẫn chúng tôi đi tham quan. Cơ sở có 20 công nhân chuyên trách từng khâu, ăn mặc đồng phục, có trang bị tạp dề, khẩu trang đúng theo quy định của ngành y tế. Từng khu riêng biệt cho từng công đoạn: sơ chế, làm sạch, rửa sạch, chế biến, nấu nướng, khu đóng hộp…  Xe vận chuyển là loại chuyên dùng, bao bọc kín an toàn. Tất cả 20 công nhân đều được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, cứ 6 tháng cập nhật thường kỳ. Chủ cơ sở Nguyễn Việt Nam bày tỏ: “Vợ chồng chúng tôi đều xuất thân từ công nhân mà ra. Chính vì vậy tôi thấu hiểu hoàn cảnh của người công nhân với đồng lương ít ỏi, sống xa nhà, mọi sự đều thiếu thốn. Cho nên những nơi khác cung cấp mỗi suất cơm từ 15.000 đến 20.000 đồng. Cơ sở chúng tôi bán giá 12.000 đồng, nhưng chất lượng luôn đảm bảo, nhất là về khâu an toàn vệ sinh thực phẩm”. Chị Lê Thị Hồng Hiên, Trưởng phòng nhân sự Công ty Dong Bang Vina tại phường Hiệp Thành, quận 12 cho biết: “Nạn ngộ độc thực phẩm đối với công nhân là nỗi lo canh cánh đối với chúng tôi, vì nếu sự cố đó xảy ra, thì toàn công ty bị ảnh hưởng đủ mọi mặt, cho nên chúng tôi rất cẩn thận khi chọn nhà cung cấp suất ăn công nghiệp cho công nhân”.

Hệ thống cung cấp nguồn rau củ quả đến các cơ sở chế biến thức ăn cũng vô cùng quan trọng, vì đầu vào không đảm bảo chất lượng, thì các công đoạn sau cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Do sự liên đới mật thiết này, chúng tôi tháp tùng cùng Đoàn kiểm tra đến Công ty TNHH TM DV Nhân Dân tại 229/20 Bùi Văn Ngữ phường Hiệp Thành, quận 12. Giám đốc Lê Văn Luật hướng dẫn chúng tôi tham quan các khâu nhận, bảo quản, chế biến đến thành phẩm chờ chuyển giao cho các nơi, bộc bạch: “Kinh doanh trong lĩnh vực này chẳng khác nào như cái thòng lọng luôn kề bên cổ, vì sự bất trắc bất kỳ lúc nào cũng có thể xảy ra. Bởi lẻ xuất phát từ ban đầu là kỹ thuật canh tác của bà con nông dân, mà chủ yếu là sử dụng các loại phân bón. Đành rằng chúng tôi đã chọn lựa các nhà nông sản xuất vừa đạt chất lượng và tinh thần trách nhiệm cao, nhưng sự rủi ro không lường trước được”. Điều này, Phó Giám đốc Ngọc Hân rất tin tưởng và quả quyết: “Tuy trong các bữa ăn gia đình, vấn đề ngộ độc thực phẩm cũng có xảy ra, nhưng rất hy hữu. Do người ta bảo quản rất kỹ, vì họ nấu cho chính họ và những người thân trong gia đình cùng ăn. Công ty chúng tôi cung cấp các loại rau củ quả, lúc nào cũng xem như mình mua về chế biến thức ăn cho chính mình và gia đình của mình. Phải hết sức cẩn thận trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tất nhiên sẽ hạn chế tối đa mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Bởi vậy chúng tôi mới đặt ra hướng phấn đấu là Bữa cơm của bạn, sứ mạng chúng tôi.

Trên đường ra về dưới cái nắng tháng 5 chang chang, nhưng chúng tôi vẫn thấy mát lòng khi nghe anh Trịnh Hải, phụ trách khoa An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng quận 12, Trưởng đoàn kiểm tra, cho biết: “Đây là hai đơn vị mà suốt bảy năm qua, trong hoạt động chưa hề để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Vì họ kinh doanh ngoài việc lợi nhuận còn có cái tâm với cộng đồng. Đây là hai đơn vị điển hình trong kinh doanh có liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương”. Như vậy, chứng tỏ việc ngộ độc thực phẩm, tác nhân đầu tiên chính là con người. Mong mỏi các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này, hãy vì sức khỏe cộng đồng mà thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình với xã hội bằng cả tấm lòng.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC – HẢI ANH

Tin cùng chuyên mục