Năng lượng hạt nhân: Xu hướng tất yếu của thế giới?

Năng lượng hạt nhân: Xu hướng tất yếu của thế giới?

Hôm nay 17-4, tại Budapest (Hungary), khai mạc Hội nghị World Nuclear Fuel Cycle 2007, do Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA) và Viện Năng lượng hạt nhân (NEI) tổ chức. Hội nghị diễn ra đến ngày 20-4, quy tụ đông đảo thành phần liên quan công nghiệp hạt nhân đến từ khắp thế giới, thảo luận về thị trường năng lượng hạt nhân, về các phương thức tốt nhất đáp ứng nhu cầu năng lượng hạt nhân đang tăng vọt, về yêu cầu xem xét lại các chính sách hạt nhân toàn cầu...

  • Nhu cầu ngày càng tăng
Năng lượng hạt nhân: Xu hướng tất yếu của thế giới? ảnh 1

Nhà máy điện hạt nhân ở Iran

Nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế thế giới ngày càng tăng. Các nguồn năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, than đá) lại dần cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Trong lúc đó, các nguồn năng lượng thay thế (nhiên liệu sinh học, năng lượng “xanh”) vẫn còn đắt đỏ và ít phổ biến, chưa nói nhiên liệu sinh học đang bị phản đối ở nhiều nước vì tác động tiệu cực đến nông nghiệp và làm giá ngũ cốc tăng cao. Do đó, các nước đã tập trung vào năng lượng hạt nhân, nguồn thay thế năng lượng hóa thạch khả thi nhất cho đến nay dù còn nhiều tranh cãi.

Theo WNA, năm 2006, 16% sản lượng điện thế giới được cung cấp từ khoảng 440 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động. Hiện thế giới có 28 lò đang được xây dựng và 62 lò khác đã được lên kế hoạch. Theo báo cáo, đến năm 2010 Nhật Bản định xây thêm 11 lò phản ứng hạt nhân, đến năm 2020 Trung Quốc xây thêm 30 lò... Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh dự báo sẽ thúc đẩy nước này xây thêm 20 lò. Mục tiêu năng lượng của Nga cũng cần thêm từ 42-58 lò mới...

Tính chung, trong 10 năm tới, công nghiệp năng lượng thế giới sẽ cần thêm khoảng 100 nhà máy điện hạt nhân, trong đó đến 40 nhà máy nằm ở châu Á. Các nhà khoa học năng lượng ước tính, đến năm 2050, thế giới sẽ cần thêm 900 nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

  • Hợp tác tăng nguồn cung

Với số lượng nhà máy điện hạt nhân gia tăng, nhu cầu uranium cũng tăng theo. Với 440 lò hiện nay, mỗi năm đã tiêu thụ ước khoảng 171 triệu pound uranium (1 troy pound = 373,24g). Sản lượng năm 2005 của tất cả mỏ uranium trên thế giới chỉ khoảng 102,5 triệu pound, thiếu hụt đến 68,5 triệu pound. Cung không đủ cầu đã đẩy giá uranium giữa tháng 4 này vượt qua mức 110 USD/pound, cao nhất từ những năm 1970 và dự báo còn tăng.

Các nhà khai thác uranium càng “có giá” với nhiều thỏa thuận hợp tác với những công ty đang tranh đua chiếm ưu thế trong thị trường năng lượng hạt nhân tăng trưởng. Nhà sản xuất lò phản ứng hạt nhân lớn nhất thế giới, Areva của Pháp, sẽ đầu tư 18% vào Summit Resources. Các hãng Nhật “đua” rất mạnh. Mitsubishi Development sẽ đầu tư 4,8 triệu bảng vào vùng khai thác uranium West McArthur ở Canada. Hãng Mitsui cũng hợp tác Công ty hạt nhân Nga Tenex để khai thác uranium. Hãng Sumitomo cùng Kansai Electric Power mở rộng dự án uranium ở Kazakhstan... Theo hãng tin TASS, Công ty Kazatomprom, nhà khai thác uranium ở Kazakhstan, nhiều năm nay ít đầu tư cho lĩnh vực này, nay thấy có lợi nên vừa cho biết sẽ sản xuất hết năng lực đáp ứng nhu cầu. 

Vấn đề nhạy cảm là kỹ thuật năng lượng hạt nhân luôn gắn liền với khả năng phát triển vũ khí hạt nhân. Do đó, nó có ảnh hưởng rất lớn đến các quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước, như những căng thẳng gần đây liên quan CHDCND Triều Tiên, Iran... Khi ngày càng nhiều nước chọn năng lượng hạt nhân, thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, thậm chí gây nguy cơ chiến tranh như trường hợp Iran. Do đó, đang có nhiều đòi hỏi phải thay đổi cơ chế liên quan công nghiệp hạt nhân hiện nay, giúp xác định một nước có nhu cầu năng lượng hay tham vọng quân sự, không thể để một số nước lớn cứ tiếp tục “chỉ bảo” thế giới còn lại phải làm gì. 

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục