Né tránh trách nhiệm

Chỉ trong vòng nửa tháng qua, người dân miền Trung liên tục gánh chịu tổn thất nặng nề từ 2 cơn bão có cường độ mạnh, gây lũ lụt trên diện rộng. Vẫn biết rằng thiên tai ở miền Trung luôn dữ dằn, khắc nghiệt nhưng điều trớ trêu là những thiệt hại gây ra lại có một phần “góp sức” của các hồ chứa nước nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi khi ồ ạt xả lũ trong cùng một thời điểm ngắn. Bên cạnh đó, cũng có những hồ thủy lợi, thủy điện do không được bảo trì, kiểm tra gia cố trước bão nên khi lũ về đã bị vỡ đập, gây ra lũ quét.
 
Trước tình trạng nóng bỏng trên, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc kiểm tra thực hiện quy trình vận hành hồ chứa. Trong đó nêu rõ tình trạng một số hồ chứa nước thủy lợi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk đã bị tràn, vỡ hoặc xả lũ khẩn cấp gây ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra lại việc thực hiện quy định về xả nước, tích nước của các hồ chứa.

Nếu phát hiện trường hợp vận hành hồ chứa sai quy định gây hậu quả nghiêm trọng phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, cần chấn chỉnh việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước và các quy định về quản lý an toàn đập, tìm giải pháp tăng cường quản lý nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân khi vận hành xả lũ.

Điều đáng bàn là câu chuyện này chẳng có gì mới. Từ lâu nay, đã tồn tại nghịch lý, khi vào mùa cạn các nhà máy thủy điện không chỉ ở miền Trung mà cả miền Bắc và Tây Nguyên thường muốn “độc chiếm” nguồn nước để phát điện, không chịu chia sẻ giúp bà con ở hạ du chống hạn. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện lại không nắm được khi nào có lũ cần phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập. Cho đến nay khâu dự báo khí tượng vẫn còn quá kém, nên tâm lý chung của các chủ doanh nghiệp thủy điện là cứ phải chắc chắn có bão lũ mới… xả lũ. Hậu quả là khi lũ về thì đã hối hả xả lũ, làm lũ chồng lên lũ, gây thiệt hại nặng nề vùng hạ lưu.
 
Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi hiện tại cả nước có gần 7.000 hồ chứa. Nhiều hồ đã xuống cấp, không an toàn trong khi lực lượng quản lý, vận hành lại mỏng, nhiều nơi không có đội ngũ đủ năng lực chuyên môn vận hành, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Đã vậy, các bộ NN-PTNT, TN-MT, Công thương… chỉ chịu trách nhiệm quản lý những hồ chứa lớn, còn với những hồ chứa vừa và nhỏ thì giao cho chính quyền địa phương. Và đến lượt các địa phương lại đang phân cấp quản lý cho các đơn vị khai thác thủy lợi tự vận hành. Bởi vậy mới dẫn đến tình trạng, họ cứ lo cho riêng công trình của mình, không cần quan tâm tới người dân vùng hạ du.
 
Tại hầu hết các cuộc giao ban khẩn, chỉ đạo ứng phó mưa bão, đều yêu cầu các địa phương phải có phương án chủ động xả lũ, tránh trường hợp nhiều hồ cùng xả một lúc. Ngoài ra, các đơn vị quản lý hồ cần tính toán, xả lũ trước khi bão về, mưa đến. Nhưng chỉ đạo cũng chỉ là chỉ đạo, gần như chẳng mấy đơn vị thực hiện, thậm chí còn chống lại lệnh. Như mới đây là trường hợp Nhà máy Thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên - Huế), mặc dù có chỉ đạo xả lũ từ chiều 13-10 nhưng đến 9 giờ sáng 14-10, đoàn công tác đi kiểm tra vẫn thấy “án binh bất động”. Và rồi khi cơn bão số 11 đổ bộ vào, bắt đầu gây mưa lũ lớn trên diện rộng ở miền Trung thì theo kiểm tra, tại 2 tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình đã có tới 13/20 hồ thủy điện lớn đua nhau xả lũ, chưa kể các hồ thủy lợi.
 
Trước khi cơn bão số 11 đổ vào Trung bộ, tại Hà Nội đã có một cuộc họp để bàn về việc xả lũ, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi. Thế nhưng, tại cuộc họp, hầu như các địa phương và chủ công trình thủy lợi, thủy điện lại đổ hết lỗi cho bên dự báo khí tượng. Nhiều lãnh đạo “kêu than” rằng, sở dĩ có tình trạng phải “cố thủ” không muốn xả lũ trước mưa bão lũ là do “ông” khí tượng dự báo còn quá kém. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa còn nói rằng: “Như trong cơn bão số 10 vừa qua, mưa rất lớn ở Nam Thanh Hóa và Bắc Nghệ An nhưng không dự báo được. Nếu chúng tôi cứ nghe dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương thì rất nguy hiểm. Nên tăng cường các trạm quan trắc để công tác dự báo kịp thời và sát hơn”. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng khẳng định, mưa lên tới 400 - 600mm nhưng dự báo chỉ 100 - 150mm nên mới phải cấp tốc xả lũ. Đến lượt lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương lại cho rằng, do quy trình vận hành hồ chứa ở Việt Nam có vấn đề.
 
Có thể giữa “ông” khí tượng và “bà” thủy điện đều có những lý lẽ riêng bao biện cho mình một cách “hợp lý” như thế. Nhưng rõ ràng đứng ở góc độ của người dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề và cứ triền miên lặp lại ở vùng hạ du, nên chuyện tích nước - xả lũ nếu không được quản lý nhịp nhàng, tuân thủ theo đúng quy chế thì những hệ lụy sẽ không bao giờ chấm dứt.

 
PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục