Nền kinh tế “bù giá”

Chuyển hướng “xé rào”
Nền kinh tế “bù giá”

LTS.- Năm 2015, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM vui mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 _ 30-4-2015). Sự kiện có ý nghĩa trọng đại này diễn ra vào thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Trung ương chuẩn bị tổng kết 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước. Đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM nhìn lại trên bước đường phát triển của mình, với tư cách là địa phương đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, nhất là từ năm 1986 khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện cho đến nay. Vận dụng vào thực tiễn của quá trình đổi mới thể chế kinh tế từ Đại hội VI đến Đại hội XI của Đảng, qua 6 nhiệm kỳ (từ Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IV đến Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX), Đảng bộ TPHCM đã đúc kết và định hình nhiều mô hình kinh tế, xã hội mới, từ đó có những quyết sách lớn của Trung ương Đảng theo đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Một loạt vấn đề về nhận thức quá trình đổi mới thể chế kinh tế từ Đại hội VI đến nay, những kinh nghiệm của quá trình vận dụng vào thực tiễn ở TPHCM qua các nghị quyết, chương trình lớn; sự đóng góp của những mô hình và cách làm hay điển hình trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã góp phần vào quá trình hình thành và hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; vai trò của Nhà nước và của thị trường từ thực tiễn quản lý, điều hành, giám sát của bộ máy chính quyền, của hệ thống chính trị và các đoàn thể ở TPHCM… Những vấn đề này sẽ được Báo SGGP lần lượt giới thiệu trong loạt bài “TPHCM - 30 năm đổi mới và phát triển” bắt đầu từ số báo hôm nay (10-4).


Những năm sau giải phóng, những nhược điểm, bất cập và cả những điều trái với quy luật phát triển của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung được duy trì quá lâu đã dần bộc lộ, làm cản trở sự phát triển. Trong bối cảnh đó, nhiều lãnh đạo một số địa phương đã có những đột phá táo bạo và cách làm chấp nhận những rủi ro, trong đó có TPHCM. Và câu chuyện về “đêm trước đổi mới” được bắt đầu với những tư duy và cách làm thử nghiệm theo cách gọi của nền kinh tế “bù giá”, khởi đầu cho tiến trình đổi mới toàn diện của đất nước ta sau này…

Phân phối dầu lửa tại TPHCM trong những năm đầu mới giải phóng. Ảnh: T.L.

Chuyển hướng “xé rào”

Đặt tờ giấy và cây bút lên bàn, ông Hai Tác cương quyết gạt ngang, mặc cho người em thứ năm đi tập kết về cứ một mực đòi giao hơn 2 mẫu đất cho tập đoàn. “Đất của ông bà để lại, tôi không ký giao ai hết. Chú đi làm cách mạng mấy chục năm, ở nhà tôi đã quyết giữ đất, giờ phải giữ, giao rồi lấy gì con cháu sau này mần ăn…”. Mỗi lần nhà có giỗ chạp, hễ ngồi chung bàn là hai anh em ông Hai Tác lại tranh luận nảy lửa về chuyện vào tập đoàn sản xuất.

Vận động vợ con ông Hai Tác không được, chính quyền xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) quay qua “ông cán bộ tập kết” thuyết phục. Ấp Tam Đông lúc bấy giờ có hơn 100 hộ dân, nhà nào cũng có đất, nhiều thì vài mẫu, ít cũng 5 - 7 công (1.000m²/công). Thấy nhà ông Hai Tác có chú em tập kết quyết không đưa đất vào tập đoàn, nhiều nhà như ông Út Phinh, Ba Đâu, Chín Cần… cũng lần lựa không chịu vào, có nhà ký giấy hôm trước, hôm sau lên xã đòi lại. Số đông dân trong ấp đối phó bằng cách vào tập đoàn nhưng đất của ai nhà ấy làm, khi tới mùa vụ thì đổi công cho nhau, hoặc cho mượn đất rồi ghi tên thành xã viên tập đoàn…

 

* Với cách làm của mình, TPHCM mạnh dạn đi vay ngoại tệ nhập vật tư, thiết bị cho các xí nghiệp để sản xuất hàng tiêu dùng rồi trao đổi lại cho các địa phương lấy lương thực, thực phẩm cung cấp cho thị trường. Từ đây, tư duy và cách làm của nền kinh tế thị trường được hình thành. Đồng chí Phan Diễn đánh giá: “Vào thời điểm gần giữa nhiệm kỳ Đại hội VI, khi nền kinh tế thị trường ở miền Nam phát triển mạnh, TPHCM cũng chủ động kết thúc thời kỳ của nền kinh tế “bù giá”. Chính vì vậy, có thể nói nền kinh tế “bù giá” từ chỗ là cách làm cấp bách ban đầu trở thành bước đi của tiến trình đổi mới toàn diện sau này”.

 

Ngẫm lại câu chuyện thời kỳ này, năm 1983 trước khi sang Liên Xô học về quản lý kinh tế, đồng chí Phan Diễn (nguyên Thường trực Ban Bí thư Khóa IX, có nhiều năm làm thư ký cho đồng chí Trường Chinh), nhớ lại nhiều điều. Được tham gia hầu hết các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương…, đồng chí Phan Diễn chứng kiến nhiều cuộc tranh luận nảy lửa giữa các đồng chí lãnh đạo của TPHCM với Trung ương về thể chế nền kinh tế, về chuyện đưa nông dân các tỉnh, thành phố phía Nam vào tập đoàn sản xuất. Đồng chí nói: “Lúc đó, nhận thức trong Trung ương đã có nhiều đồng chí ở miền Nam mạnh dạn đưa ra những bất cập, sai lầm, phi thực tế của nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung vào 3 đặc điểm lớn. Về quan hệ sản xuất muốn nhanh chóng xóa bỏ quan hệ sản xuất cũ, xây dựng trong một thời gian ngắn quan hệ sản xuất được cho là tiên tiến, XHCN, với một quan niệm khá đơn giản là quan hệ sản xuất đó dựa trên chế độ sở hữu chủ yếu chỉ có thành phần quốc doanh và tập thể, tư nhân cơ bản xóa bỏ; về quản lý nền kinh tế theo kế hoạch hóa từ sản xuất, phân phối, tiêu thụ chủ yếu dựa vào quan hệ hiện vật, kỳ thị, bác bỏ, không đếm xỉa đến quy luật giá trị, quy luật kinh tế thị trường, quy luật cung cầu và phát triển nhanh công nghiệp nặng, trong khi nền kinh tế tự túc, tự cấp đang thiếu thốn rất nhiều thứ cơ bản như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu”.

Phân tích thêm những điều cơ bản nêu trên, đồng chí Phan Diễn cho rằng, từ những năm 1979 - 1985, nhiều địa phương ở miền Nam, trong đó có Long An và TPHCM, đã “xé rào”, định hình nền kinh tế “bù giá”. Nhưng tất cả đều là làm “chui”, làm thử có kết quả mới đưa ra Trung ương bàn. Cụ thể, đứng trước tình hình thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực do viện trợ từ nước ngoài những năm 1980 giảm dần, Nhà nước không thể cung cấp đủ đầu vào cho nông dân phân bón, xăng dầu, thuốc trừ sâu và vật tư chiến lược cho các đơn vị sản xuất, nhiều nơi đã chủ động “bung ra”, tự tìm nguồn cung cấp đầu vào ở thị trường tự do. Đầu vào cho sản xuất phải mua bằng giá đắt, dẫn đến Nhà nước không thể đòi nông dân và nhà sản xuất bán sản phẩm cho Nhà nước theo giá thấp. Từ chỗ Nhà nước không bảo đảm được cung cấp đầu vào thì cũng không thể kế hoạch hóa đầu ra, và bắt buộc phải công nhận sự tồn tại của thị trường tự do với mặt bằng giá cao hơn Nhà nước quy định. Thực tế này đã đẩy Nhà nước vào chỗ không mua đủ và cũng không nhập khẩu đủ lương thực để bảo đảm cung cấp cho lực lượng phi nông nghiệp, trong đó có một bộ phận rất lớn cán bộ, công nhân viên và quân đội. Đến đây, vấn đề giá - lương - tiền mà thực tế đặt ra từ các địa phương “xé rào”, rõ nhất là ở TPHCM buộc Trung ương phải đưa ra bàn và tìm cách giải quyết cho phù hợp với những cái mới đang đặt ra.

Đổi mới từ nền kinh tế “bù giá”

 

Nhà nước bảo đảm cho công nhân viên chức, các đối tượng hưởng lương hoặc sinh hoạt phí mua đủ 6 mặt hàng định lượng và điện sinh hoạt theo giá ổn định từng thời gian do Hội đồng Bộ trưởng quy định…

(Quyết định 198/CT ngày 21-6-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc thống nhất chế độ bù giá vào lương)

 

Ông Lâm Minh, chủ một cơ sở nhựa của Sài Gòn trước năm 1975 cho biết, ở miền Nam từ lâu người dân đã quen với nền kinh tế hàng hóa theo cung cách quan hệ của nền kinh tế thị trường. Khi áp đặt nền kinh tế kế hoạch hóa vào miền Nam, cung cách quản lý theo mệnh lệnh, rồi tập quán, thể chế đã cho thấy không phù hợp với điều kiện thực tế. Ông Minh dẫn chứng cái không phù hợp đầu tiên là quan hệ mua bán giữa Nhà nước với nông dân và nhà sản xuất. Trong nền kinh tế, cái lo đời sống hàng đầu của người dân là lương thực, cái ăn. Nhưng do Nhà nước không cung cấp đủ xăng dầu, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân, nên không thể đòi nông dân bán lại sản phẩm thừa của họ theo giá quy định.

Tâm tư đó của ông Lâm Minh cũng là suy nghĩ chung các chủ cơ sở sản xuất khác ở TPHCM. Đồng chí Phan Diễn nhớ lại: “Lúc bấy giờ xuất hiện mối quan hệ giữa Nhà nước với nông dân luôn có hai phần, một phần gọi là trao đổi theo hợp đồng hai chiều, Nhà nước bán vật tư cho nông dân theo giá rất thấp và Nhà nước cũng mua lại lương thực một lượng tương ứng theo giá rất thấp, gọi là giá thu mua. Còn lại một phần, vì Nhà nước không cung cấp đủ đầu vào cho nông dân nên phải mua theo giá thỏa thuận. Khi thực hiện người ta thấy cách mình cung cấp vật tư theo giá rẻ và theo kế hoạch như thế nó đẻ ra nhiều bất hợp lý. Ví dụ, tôi không muốn mua loại phân bón này, tôi muốn mua loại phân bón khác nhưng Nhà nước chỉ có phân bón này thì tôi buộc phải mua, bởi vì mua là quyền lợi để được phần vật tư mua theo giá rẻ. Nhiều khi Nhà nước cung cấp không đúng chủng loại, không đúng thời gian yêu cầu nhưng tôi cũng phải mua để bán lại cho người khác. Những cái như thế, cách trao đổi hiện vật như vậy đã bộc lộ nhiều vô lý và rất nhiều tiêu cực. Do đó, cũng có địa phương muốn làm thử và TPHCM thử nghiệm theo cách riêng của mình. Họ muốn bỏ cái kiểu của Nhà nước mua bán theo giá thấp với nông dân và theo hợp đồng, đổi thành Nhà nước cung cấp đầu vào và bán đứt theo giá thị trường, còn nông dân bán lúa cho Nhà nước cũng theo giá thị trường. Không cần phải tương ứng về số lượng gì hết. Như thế, những phần lúa mua theo giá thị trường thì khi bán cho cán bộ, công nhân viên không thể bán theo giá thấp được vì lấy tiền đâu bù vào. Từ đó đẻ ra chuyện đối với nông dân nhiều nơi mua đứt bán đoạn, tức là bán vật tư sản xuất và mua lại lương thực theo giá thị trường và bán lại sản phẩm cho người tiêu dùng cũng theo giá thị trường. Thay vì phải nâng lương cho cán bộ, công nhân viên theo mức lương đủ mua các thứ nhu yếu phẩm, nhưng bây giờ phải mua theo giá cao nên Nhà nước bù vào phần chênh lệch này. Quan hệ của nền kinh tế mới tạm thời được hình thành theo hướng Nhà nước quan hệ với nông dân và nhà sản xuất là mua đứt bán đoạn, còn quan hệ với cán bộ công nhân viên thì bù giá vào lương…”.

HOÀI NAM - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục