Có quá nhiều ý kiến khác nhau góp ý về dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) vừa được đưa ra, cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng. Một giáo sư ĐH cho rằng, nếu đưa ra một luật để quản lý hành chính về trường ĐH thì không cần thiết, nhưng nếu cần một luật bao hàm tính chất, nguyên lý, nội dung, phương pháp phát triển GDĐH thì lại không thấy được rõ nét trong dự thảo này.
Điều đó, dưới góc độ quan tâm của xã hội cho thấy bao nhiêu năm qua, dù nhà nước đã tập trung đầu tư nhưng vẫn chưa tiệm cận được vấn đề cốt lõi để đưa GDĐH có được vai trò đúng nghĩa của nó, vai trò là quốc sách hàng đầu góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thật quá mông lung khi đặt vấn đề này, nhưng chỉ nhìn những học sinh lo lắng, thiếu tự tin trước mỗi mùa tuyển sinh mới thấy cơ hội dành cho các em là mong manh. Vấn đề có tính nguyên tắc là mọi học sinh đạt trình độ giáo dục phổ thông thì bình đẳng về cơ hội và có quyền tiếp cận GDĐH theo loại hình đào tạo phù hợp với điều kiện của mình.
Sự đa dạng về loại hình trường hiện nay, dù vẫn chưa rộng khắp, cũng đã là cơ hội mà các em vừa rời trường phổ thông có thể thụ hưởng. Nhưng cơ hội không chỉ là ai cũng có thể vào một trường nào đó, rồi ra sao thì ra. Sự phân loại, dù muốn dù không cũng đã diễn ra khá trơn tru trong nhiều năm qua khi những trường tốp trên luôn chỉ dành cho những em có học lực giỏi. Vấn đề là bộ phận lớn học sinh không được vào tốp trên sẽ được thụ hưởng quyền của mình như thế nào? Các chương trình tư vấn hướng nghiệp ở nhiều địa phương thời gian qua tạo điều kiện và có vai trò khá quan trọng giúp các em định hướng cho tương lai, cũng là góp một phần không nhỏ trong việc mang lại sự công bằng trong thụ hưởng.
Thế nhưng, khi mà chất lượng đào tạo các trường vẫn còn là vấn đề nhức nhối chưa lối ra thì không mong xác lập được sự công bằng ấy. Sau nhiều năm được coi là xã hội hóa mạnh mẽ trong hoạt động giáo dục, các trường ĐH với nhiều loại hình ra đời. Học sinh có thêm nhiều cơ hội. Nhưng không ít trường hợp đã “bé cái nhầm” khi mà nhiều trường đến cái giảng đường nho nhỏ vẫn phải thuê mướn một cách chắp vá chứ nói chi đến đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm bảo theo quy định được xem là tiêu chí bắt buộc để được hoạt động.
Xét về mặt quản lý nhà nước, khi chất lượng đào tạo chưa được đảm bảo, nhiều học sinh phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để thu lại một kiến thức nhàn nhạt, nhất là các em học sinh ở vùng sâu vùng xa, các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng ôm ấp ước mơ ĐH, thì xã hội đã tước đi cơ hội hưởng thụ công bằng của các em. Vì vậy, dù đặt ra khá nhiều vấn đề trong dự thảo, nhưng điều mà xã hội cần là tính khả dụng của luật. Để thêm một bộ luật ra đời, nhất là luật liên quan đến giáo dục, thì phải tạo được một sự chuyển biến về chất trong quản lý cũng như đặt nền tảng vững chắc cho phát triển.
Linh An