
Trời nắng như đổ lửa, tôi quảy ba lô về “đảo” ni lông, nằm khép mình tĩnh lặng cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Ông lão xe ôm tóc bạc phơ bảo: “Cháu có việc gì không mà về cái “đảo” dơ bẩn đó? Không sợ… ung thư à”? Người ta vẫn gọi vui đây là “đảo” bởi có biết bao phận người đang sống gửi nơi đây, họ nương tựa nhau và xa lạ với những dòng xe cộ ngược xuôi.
- Phận người trên “đảo”

Những người lao động đang ăn cơm trưa
Hương lộ 3 đầy bụi, phía xa xa là “đảo” ni lông. Bước vào túp lều hừng hực nắng, tồi tàn cũ rách, trước mắt tôi là cả chục con người, đang cặm cụi mải mê với hàng đống ni lông. Họ không buồn ngước lên nhìn khách lạ. “Viết gì mà viết, chú không thấy ở nơi này hôi hám lắm sao?”- vừa nhanh tay moi những vỏ bao ni lông trong bao tải phải chừng 20kg ra để phân loại ni lông trắng, ni lông màu như các “đồng nghiệp”, chị Trần Thị Bích vừa nói. Người phụ nữ ngoại tứ tuần, quê Cà Mau này là một trong những người đầu tiên “khai sinh” ra đảo ni lông và cũng là một trong những nhân công đầu tiên của ông bà chủ.
Mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ các bao tải xung quanh, nhưng tôi thấy nhiều chị em không buồn che miệng, có lẽ vì họ đã quen mùi rồi cũng nên. Chị Trần Thị Loan ngồi cạnh đó ngán ngẩm: “Làm khổ cực quá, tiền công chỉ 40.000đ/ngày nên phải chịu cảnh gối đầu. Đầu tháng thì mượn tiền trả nhà trọ, điện nước; cuối tháng lãnh lương trả lại, cứ như vậy mà làm”…
Nãy giờ mải nói chuyện, tôi không chú ý đến mấy thanh niên vẫn đang say việc. Trần Văn Lực là một trong số đó. Quá nóng bức, Lực cởi phăng chiếc áo cũ mèm để tiện bơi móc ni lông. Lực 22 tuổi, ở Sa Đéc (Đồng Tháp), tuổi trẻ trôi qua trong sự nhọc nhằn, gian khó. Nhà có vài sào ruộng, quá đông miệng ăn nên Lực lên thành phố xin việc làm. “Không có nghề nên không biết làm gì, ngoài cái nghề dùng tay chân này”.
Cạnh đó là Trí, 16 tuổi, người cùng quê của Lực cũng đang mải mê lựa ni lông. Ở trong lều mà còn nắng hừng hực, tôi nhìn ra ngoài trời, nhất là ở cái nơi cỏ còn mọc không nổi, lại càng thấy thương những mảnh đời phiêu dạt về đây. Chị Bích bảo tôi, tay chỉ ra xa: “Tụi tôi làm ở đây tuy hôi hám, nhưng vẫn sướng hơn nhiều so với mấy anh, chị làm ngoài kia”. Theo cánh tay chị, tôi trông thấy hàng chục người đàn ông nón sùm sụp, áo quần tả tơi đang “chiến đấu” với cái nắng để kiếm 45.000đ một ngày. Dưới chân họ là một cánh đồng ni lông sau khi đã băm nhỏ vụn, được phơi cho thật khô để bán lại cho các nhà máy ép keo, làm nhựa tái chế.
“Nếu trời không mưa thì sướng, chứ mưa một cái là phải neo “xác” ni lông (ni lông đã băm nhỏ) bỏ vào bao, hôm sau phơi lại, cực thấu trời. Thế nên, nắng cỡ nào tụi này cũng ráng chịu, chỉ cầu trời khấn Phật cho khỏi mưa”- anh Nguyễn Ngọc Hải, 45 tuổi bảo. Những tưởng chỉ có ở huyện vùng sâu, vùng xa Thanh Bình (Đồng Tháp) làm ruộng là nghèo nàn, cực khổ, các anh em của Hải lên thành phố vẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để mưu sinh. Xác ni lông được các nhà máy thu mua lại từ 5.200đ- 11.000đ/ký. Dò hỏi người khai sinh ra “đảo” ni lông này thì không ai biết, chỉ biết những người đầu tiên lên đây là họ hàng của anh Hải ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp).
- Ươm chữ cho con
Trong căn lều tồi tàn, tôi gặp chị Trần Thị Loan. Chị có 2 con trai là Nguyễn Đức Mậu, lớp 5 và Nguyễn Đức Minh lớp 4 đang học tại một ngôi trường tiểu học của quận Tân Bình. Hỏi về ước mơ thoát nghèo, chị Loan bộc bạch: “Được ngày nào mừng ngày nấy, chỉ mong tụi nhỏ được đến trường, mình khổ mấy cũng chịu được, chứ thất học thì khổ lắm chú à!”.
Một người phụ nữ khác nãy giờ cứ thui thủi làm trong góc lều, giờ mới lên tiếng, tên chị là Lê Thị Em, 43 tuổi, cũng ở huyện Thanh Bình. Chị có hai người con là Nguyễn Văn Khánh, 20 tuổi, đã theo chị lên Sài Gòn làm việc tại một cơ sở sản xuất quạt gió. Cô út Nguyễn Thị Năng, 17 tuổi, đang học tại Trường THPT Thanh Bình 2 ở quê. Hai mẹ con chị ở trọ gần chợ Tân Hương (Q.Tân Phú), út Năng ở nhà với ba để ráng theo chuyện học. Mỗi tháng, nhịn ăn nhịn mặc, chị gói ghém gởi 500.000đ cho hai bố con. “Khổ mấy mẹ con tôi cũng chịu được, chỉ mong con út học tấn tới. Đời tui khổ nhiều rồi, bây giờ phải có cái chữ, chứ không là tự hại mình. Tui thường viết thư về khuyên út Năng vậy đó!”- tiếng nói từ trái tim người mẹ nghe sao nặng trĩu. Tôi ngước nhìn chị, những giọt nước mắt đã lăn dài…
Giờ cơm trưa, tôi gặp hai người đàn ông đen đúa, gầy còm đang nuốt vội hộp cơm đã nguội ngắt. Anh Nguyễn Văn Tiến, 45 tuổi, ở huyện Chợ Mới (An Giang) đang nhai từng thìa cơm khô cứng, toàn rau cải luộc nhưng khi nhắc đến các con, mắt anh sáng hẳn. Ba người con của anh là Nguyễn Hữu Phước (18 tuổi), Nguyễn Hữu Tú (17 tuổi) và cô út Nguyễn Thị Oanh, 15 tuổi. Cả ba đều đã nghỉ học vì gia cảnh quá túng bấn, đứa nghỉ giữa chừng khi mới học lớp 7, đứa lớp 9. Ở quê, không có việc làm, anh lên Sài Gòn và gia nhập “đảo” ni lông mới vài tháng nay. Chắt chiu từng đồng, mỗi tháng người ta lại thấy anh vuốt những tờ bạc lẻ, gửi về cho các con. “Chỉ mong tụi nhỏ có việc làm, tự nuôi sống được bản thân là mừng rồi!”- anh Tiến tâm sự.
Nghề làm ni lông chia làm 3 công đoạn: Thứ nhất là phân loại ni lông trắng hoặc màu, tiếp theo là bằm thành xác vụn. Cuối cùng, xác ni lông phải phơi thật khô để bán lại cho các nhà máy tái chế bao bì nhựa. |
PHẠM AN HÒA