Tại kỳ họp thứ VII vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016; cảnh cáo ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương. Một lần nữa, câu chuyện về kiểm soát quyền lực lại được nhắc đến rất nhiều.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc siết chặt kỷ luật Đảng, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Đây cũng là thông điệp để cảnh báo mọi cán bộ đảng viên, dù ở cấp nào thì cũng phải chịu sự chi phối của kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước, không có vùng cấm và không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Dù đã nghỉ hưu, chuyển công tác nếu có dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước thì tiếp tục được xử lý. Đó cũng là tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước. Qua bài học này, chắc chắn nhiều cán bộ, đảng viên đương chức phải tự suy ngẫm, điều chỉnh lại nhận thức hành động của mình, bảo đảm tuân thủ đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Một số ý kiến cho rằng, với những gì đã diễn ra, mức kỷ luật đưa ra đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương cũng như cá nhân ông Vũ Huy Hoàng còn có phần nương nhẹ, tính nghiêm minh chưa cao, tính răn đe giáo dục còn hạn chế vì trách nhiệm của tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương ở đây là rất lớn, đã để sự việc kéo dài như vậy. Tới đây, chắc chắn việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân những người sai phạm sẽ còn tiếp tục được làm rõ, kể cả không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu phát hiện những sai phạm có yếu tố cấu thành tội hình sự như nhiều ý kiến đã phân tích, đề nghị. Nhưng một lần nữa, thông qua câu chuyện này, vấn đề kiểm soát quyền lực lại một lần nữa được đặt ra với những đòi hỏi bức thiết hơn.
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), để không xảy ra những câu chuyện tương tự, bên cạnh việc giữ vững kỹ luật đảng, phòng chống suy thoái, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa, đẩy mạnh giáo dục chính trị của Đảng với tự tu dưỡng, rèn luyện đảng viên thì phải chú ý kiểm soát quyền lực. Đảng kiểm soát quyền lực không phải theo nghĩa hiểu thông thường là lập pháp, hành pháp và tư pháp kiểm soát nhau, vì đó là lẽ đương nhiên và nhà nước pháp quyền phải làm việc đó. Ở đây là đảng cầm quyền thì Đảng phải kiểm soát quyền lực. Đảng giao trách nhiệm cho đảng viên nắm các trọng trách trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị thì đồng thời Đảng, tổ chức Đảng phải giám sát. Ở cấp trung ương, Ban Chấp hành Trung ương phải giám sát các vị trí lãnh đạo mà mình đã phân công trọng trách. Tương tự, ở dưới cấp ủy địa phương, tổ chức Đảng phải đứng ra giám sát. Nếu việc giám sát kiểm soát quyền lực này được làm tốt thì chắc chắn sẽ bớt đi rất nhiều những câu chuyện như ở Bộ Công thương mà vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận.
Cùng với giám sát của Đảng, dĩ nhiên là phải tăng cường giám sát của nhân dân, đoàn thể, báo chí. Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện đều bắt nguồn từ thông tin trên báo chí. Vì vậy, làm thế nào để phát huy được trách nhiệm của các đoàn thể, nhân dân, đặc biệt là các cơ quan báo chí thì sẽ giám sát tốt quyền lực, hoạt động của các cán bộ, cơ quan công quyền. Giám sát là để khi có dấu hiệu thì cơ quan chức năng vào cuộc xử lý ngay, không phải để đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng mới xử lý như vừa qua gây mất lòng tin của nhân dân, làm thiệt hại nguồn lực của Nhà nước.
Hơn bao giờ hết, vấn đề kiểm soát quyền lực phải được làm mạnh mẽ hơn với những cơ chế cụ thể và cả với việc khơi dậy, nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi một cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng trong việc đấu tranh với những dấu hiệu sai phạm. Chắc chắn, không thể có chuyện gì xảy ra mà cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tại nơi đó lại không biết. Vấn đề là sử dụng cơ chế kiểm soát quyền lực ra sao, đề cao trách nhiệm vì dân, vì Đảng của từng cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng thế nào trước những việc làm sai trái của người có chức có quyền.
LÂM NGUYÊN