Nga: Chính sách đối ngoại “5 không 4 có”

Nga: Chính sách đối ngoại “5 không 4 có”

Ba tuần sau “phát biểu cương lĩnh” của Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị an ninh Munich, khi phản ứng của dư luận Nga và phương Tây đã lắng xuống, 7 nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng, thuộc CLB chính trị báo Izvestia (Nga), đã bình luận về sự thay đổi chính sách đối ngoại của Nga và quan hệ của Nga với phương Tây trong 10 năm tới.

  • Một trung tâm tự lập
Nga: Chính sách đối ngoại “5 không 4 có” ảnh 1
Nga, Mỹ cùng các nước sẽ tìm kiếm một trật tự thế giới mới đa cực?

Sau khi Liên Xô sụp đổ, một thời gian dài Nga không tìm ra câu trả lời mình thuộc về ai, theo nền văn minh nào, Đông hay Tây, Âu hay Á? Đầu thập niên 1990, chiến lược của Nga rõ ràng muốn nhất thể hóa với phương Tây, nhưng không thực hiện được vì phương Tây không muốn. Nga quá lớn và “quá Nga” với phương Tây. Sau đó, xảy ra những sự kiện chấm dứt hoàn toàn đường lối thân phương Tây của Nga: mở rộng NATO, cuộc chiến ở Nam Tư và Iraq.

Ngoài ra, không có triển vọng nào để Nga gia nhập NATO và EU. Nga quá lớn đối với NATO và EU. Nga nằm trong NATO thì... chấm hết NATO. Nga nằm trong EU thì cả EU phải làm sao cho trình độ phát triển kinh tế của Nga bằng mức trung bình của châu Âu.

Bản thân Nga cũng ngày càng hiểu, thật ra không nên vào đó, bởi trong EU tất cả đều được điều chỉnh và không cho phép phát triển nền kinh tế thị trường tự do. Ở phương Đông, Nga cũng chẳng biết nhất thể hóa với ai. Điều này có nghĩa, dù muốn hay không, Nga phải là một trung tâm sức mạnh tự lập.

  • “5 không, 4 có”

Trong dư luận xã hội Nga có 9 nguyên tắc về chính sách đối ngoại, gọi tắt là “5 không” (phản đối) “4 có” (ủng hộ):

“Không” chủ nghĩa đế quốc Mỹ, “không” chủ nghĩa toàn cầu, “không” chủ nghĩa đế quốc Nga. 47% dân Nga cho rằng, Nga “không cần” giành lại địa vị siêu cường, so với 34% nghĩ rằng “cần”. Một siêu cường năng lượng, dựa vào nguồn tài nguyên để ép buộc thế giới, người Nga không hề muốn. Thứ tư là “không” bành trướng trong Cộng đồng các quốc gia độc lập. Nga không muốn làm thủ lĩnh khu vực ở không gian hậu Liên Xô, hoặc không thấy sứ mệnh của mình tại đó. Thứ năm là “không” con đường thứ ba. Cơ cấu địa chính trị mới và phức tạp, kiểu như trục Nga–Trung–Ấn hoặc vòng cung Thái Bình Dương, bị người Nga xem là không hiện thực và nguy hiểm.

“Có” thứ nhất là một chính sách đối ngoại độc lập, chú trọng trước tiên quyền lợi của người Nga. “Có” thứ hai là nhượng bộ và trung gian. Dân Nga ủng hộ chính sách đối ngoại chủ động, nhưng phải là chính sách không làm người Nga đổ máu và tốn tiền. “Có” thứ ba là kinh tế. Chính sách đối ngoại phải phục vụ lợi ích kinh tế đất nước. “Có” thứ tư là châu Âu. Trước câu hỏi: “Nếu phải di cư khỏi Nga, bạn sẽ chọn nước nào?”, gần 38% số người được hỏi nêu một nước châu Âu, 7% muốn sang Mỹ, 6% nói tên một nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, chỉ 2% muốn sang châu Á và châu Phi. Hơn 40% còn lại khó đưa ra câu trả lời.

  • Lợi ích Nga bị thách thức và đe dọa

Giới lãnh đạo Nga nhận thức rõ các thách thức và đe dọa đang xuất phát từ phương Tây. Đó là thách thức mất quyền kiểm soát trong hàng loạt ngành kinh tế quốc dân, trước hết trong lĩnh vực năng lượng-nhiên liệu. Đó là mối đe dọa sự ổn định chiến lược do kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Ba Lan và Czech. Đó là mối đe dọa quyền lợi Nga ở vùng Trung Á, do lập trường chống Nga của một bộ phận thượng lưu ở Kazakhstan và Azerbaizhan.

Sau phát biểu của Tổng thống Putin, người ta thấy rõ, Nga sẽ đáp trả mọi thách thức và đe dọa, từ phản ứng tùy tình hình đến các biện pháp chiến lược, như khả năng rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Còn trước mối đe dọa chính với lợi ích Nga là sự chi phối của Mỹ trên thế giới, nước Nga có thể sẽ áp dụng “công nghệ kiềm chế năng động”: nếu mất sự cân bằng lợi ích hợp lý, Nga sẵn sàng phản ứng cứng rắn, đối đầu với lợi ích Mỹ ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

  • Mô hình thế giới  đa cực

Chính sách đối ngoại của Nga sẽ dựa trên các nguyên tắc: thứ nhất, đề nghị các nước tìm kiếm mô hình thế giới đa cực, như Mỹ, Nga, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và các chủ thể khác của nền chính trị thế giới, nếu họ sẵn sàng nhận trách nhiệm nghiêm chỉnh.

Thứ hai, Nga sẽ tiến hành một chính sách đối ngoại chủ động để người ta buộc phải tính đến Nga.

Thứ ba, Nga chọn thương lượng chứ không chọn bom đạn. Thời gian qua ngày càng nhiều xung đột quân sự, bởi vậy, một nguyên tắc tổ chức mới của thế giới phải là thương lượng, tránh dùng bom đạn.

Thứ tư, cơ quan chính thống có quyền quyết định sử dụng bạo lực vẫn là LHQ, nhất quyết không để NATO nắm quyền đó.

Thứ năm, Nga không cần phương Tây “lên lớp” về dân chủ và nhân quyền, trong khi chính phương Tây không hề học làm dân chủ và không tôn trọng quyền của dân tộc khác.

LÊ THIẾU HUYỀN
(theo Izvestia.ru)

Tin cùng chuyên mục