Nga: Sử dụng “vũ khí” ngoại giao năng lượng

Mỹ gặp rắc rối
Nga: Sử dụng “vũ khí” ngoại giao năng lượng

Mỹ đang lo ngại việc Nga ngày càng sử dụng năng lượng như một “vũ khí ngoại giao” nên chuẩn bị gây sức ép mới với Moscow về việc xây dựng các đường ống năng lượng thay thế ở khu vực biển Caspian.

Mỹ gặp rắc rối

Nga: Sử dụng “vũ khí” ngoại giao năng lượng ảnh 1

Dầu khí được sử dụng như một công cụ ngoại giao của Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề kinh tế, năng lượng và nông nghiệp, Reuben Jeffery, cho biết, ông sẽ đưa vấn đề này ra trong các cuộc thảo luận với chính phủ và các nhà lãnh đạo công nghiệp dầu mỏ Nga trong chuyến công du vào ngày mai 18-7. Cuộc đàm phán này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Nga, Kazakhstan và Turmenistan nhất trí xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới qua Trung Á đến Nga, nhằm gia tăng sự kiểm soát của Nga với các đường ống năng lượng đi qua khu vực này.

Động thái này được xem như một thất bại đối với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), khi mà trước đó họ đã yêu cầu Kazakhstan và Turmenistan xây dựng một đường ống đi qua biển Caspian đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm cung cấp khí đốt của Trung Á thông qua một đường ống không thuộc quyền kiểm soát của Nga cho thị trường toàn cầu.

Ông Jeffery nói: “Chúng tôi đang gặp rắc rối vì những dấu hiệu cho thấy năng lượng thông dụng được sử dụng như một vũ khí hoặc một công cụ ngoại giao. Mục tiêu của cuộc thương lượng về hệ thống đường ống thay thế là tạo nên sự cạnh tranh trên cơ sở thị trường hợp pháp và phát triển sự đa dạng của hệ thống”.

Được hỏi về thái độ của Nga đối với quan điểm của Mỹ, ông Jeffery thừa nhận có sự căng thẳng về vấn đề này. Ông Jeffer coi chuyến công du Moscow là một “chuyến thăm lắng nghe”, song nói thêm rằng Mỹ lo ngại về chính sách năng lượng ngày càng quyết đoán của Nga. Các công ty nhà nước Nga, như Tập đoàn Năng lượng Gazprom, đã yêu cầu các các công ty nước ngoài nhượng lại một phần cổ phiếu kiểm soát trong các dự án dầu mỏ và khí đốt lớn, như dự án Sakhalin-1 do Tập đoàn Năng lượng Shell (Anh-Hà Lan) đứng đầu và dự án khí đốt Kovykta của liên doanh TNK-BP. Nga cũng từ chối ủng hộ kế hoạch mở rộng đường ống xuất khẩu quan trọng vận chuyển dầu từ Kazakhstan đến khu vực biển Đen của Nga.

EU cải thiện quan hệ năng lượng với Nga

Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom (Nga) và Tập đoàn Năng lượng Total (Pháp) vừa ký thỏa thuận khai thác chung mỏ khí đốt khổng lồ Shtokman của Nga, động thái được coi là bước đột phá lớn trong mối quan hệ năng lượng giữa Nga và EU. Theo thỏa thuận, Total sẽ kiểm soát 25% cổ phần trong công ty liên doanh giữa 2 bên, dự kiến được thành lập để điều hành giai đoạn I của dự án khai thác mỏ Shtokman. Trong khi đó, Gazprom sẽ vẫn giữ quyền điều hành khi nắm giữ 51% trong liên doanh này. Trong vài năm tới, Total sẽ đầu tư 4-5 tỷ USD vào giai đoạn I có tổng kinh phí 15 tỷ USD của dự án trên.

Các công ty nước ngoài khác, như Norsk Hydro và Statoil (cùng của Na Uy), Chevron và ConocoPhillips (cùng của Mỹ) cũng có thể tham gia dự án với vai trò là những đối tác nhỏ hơn.

Việt Lê (theo Financial Times)

Tin cùng chuyên mục