Cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm đang rất gay go, do tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, độ tuổi phạm pháp trẻ hơn, hành vi liều lĩnh và manh động hơn, thủ đoạn tinh vi và tàn ác hơn. Trong thời gian gần đây, các lực lượng chống tội phạm đã dồn sức, huy động đội ngũ tinh nhuệ điều tra, trấn áp tội phạm, quyết không để cái ác lộng hành và đã phá được nhiều vụ trọng án.
Trong bối cảnh đó, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Đây là một sự phối hợp cần thiết và đồng bộ để tăng cường hiệu quả phòng chống tội phạm. Bởi để chống tội phạm, không chỉ là tăng cường tuần tra, điều tra phá án, xử lý pháp luật, mà rất cần giải pháp căn cơ là khắc phục những kẽ hở pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự phải chặt chẽ hơn, bao quát hơn, tháo gỡ được những vướng mắc gây khó cho việc thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, và ngăn chặn được tình trạng lạm quyền khi thực thi pháp luật.
Tại các diễn đàn góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều bất cập của Bộ luật Hình sự hiện hành được nhiều người dân phân tích chỉ rõ và bàn phương án khắc phục.
Có một số vấn đề được dư luận quan tâm góp ý, như: Người dân cần được bảo vệ hữu hiệu hơn bằng quy định hợp lý về quyền phòng vệ chính đáng và quy định xử lý nghiêm hành vi xâm nhập gia cư bất hợp pháp; người thi hành công vụ cần được tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện làm nhiệm vụ bằng quy định xử lý nghiêm mọi hành vi chống người thi hành công vụ. Có nhiều ý kiến đề nghị cần quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, vì thực tế vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm xã hội… vì xâm hại nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân và gây mất trật tự, an toàn xã hội. Lâu nay những hành vi này chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, nên chưa đủ sức răn đe.
Mặc dù đồng thuận với quan điểm hạn chế hình phạt tử hình, nhưng đặt vào tình hình tội phạm gia tăng hiện nay, nhiều người không đồng tình giảm hình phạt tử hình với một số tội danh, nhất là với tội phạm ma túy. Với quan điểm không thể dung túng cho cái xấu, cái ác lộng hành, nhiều ý kiến ủng hộ việc quy định cụ thể các trường hợp xử lý hình sự các hành vi trộm cắp, giật dọc tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng, rải đinh, bắt trộm chó… vì đây là các hành vi gây bất an xã hội, không thể dung dưỡng, phải bị coi là tội phạm chứ không thể chỉ là vi phạm hành chính. Vấn đề trẻ vị thành niên và người tâm thần phạm pháp cũng được nhiều ý kiến bàn luận theo hướng làm sao để vừa bảo đảm tính nhân văn vừa ngăn chặn được những hiểm họa cho người dân. Nhiều ý kiến lo ngại thực trạng do năng lực, phương tiện của đội ngũ y tế cơ sở chưa đồng đều, và thiếu sót trong trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, nên hầu như rất ít nơi có được biện pháp tốt nhất để phòng ngừa có hiệu quả tình trạng người tâm thần gây mất trật tự an toàn xã hội.
Lắng nghe người dân bàn luận góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và chỉ ra những kẽ hở - hay chính xác hơn là những khiếm khuyết của pháp luật hình sự hiện hành, sẽ không khó để nhận ra điều người dân cần là an ninh trật tự xã hội và tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của công dân phải được luật pháp bảo vệ hữu hiệu hơn; bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp; không còn những kẽ hở pháp luật cho cái ác, cái xấu lộng hành. Hoàn thiện pháp luật hình sự cũng là cơ sở để giữ vững thế trận phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm; khắc phục những sai sót khuyết điểm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động tư pháp. Để đáp ứng được yêu cầu đó, rất cần sự tham gia góp ý rộng rãi của người dân, các luật gia, những người thực thi pháp luật, để pháp luật hình sự vừa đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo, vừa đảm bảo quyền con người, hướng đến một xã hội lành mạnh, an toàn, văn minh.
HUỲNH THANH LUÂN