Liên tiếp những vụ cháy nổ nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây, từ những vụ cháy lớn tại nhiều khu công nghiệp, làng nghề, cháy rừng cho tới những vụ cháy tại chung cư, nhà hàng hay những khu dân cư đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Mới đây nhất là vụ nổ lớn do cưa phá vật liệu nổ xảy ra tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) khiến hơn 10 người thương vong và hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng đã thực sự gióng lên hồi chuông báo động đỏ về hiểm họa cháy nổ đang chực chờ hàng giờ, hàng phút đe dọa cuộc sống của người dân.
Theo thống kê mới nhất được các cơ quan chức năng công bố tại Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ năm 2016 đang diễn ra rầm rộ trong cả nước, trong năm vừa qua, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy, làm 90 người chết, 143 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá hơn 1.300 tỷ đồng và hơn 1.300ha rừng. Trong đó chỉ riêng Hà Nội đã xảy ra trên 150 vụ cháy nổ, làm hàng chục người thương vong và thiệt hại về tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng. Quả thực, những thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra là rất nặng nề và đau thương, nhưng đáng lo ngại hơn khi cháy nổ đang khiến cho cộng đồng xã hội từ người dân cho tới các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy và người lao động trở nên bất an, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Rõ ràng có nhiều nguyên nhân khiến cho hiểm họa cháy nổ trong toàn quốc trở nên nặng nề và phức tạp hơn, trong đó lý do hàng đầu vẫn là ý thức chấp hành thực hiện các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ bị xem nhẹ, chủ quan, thậm chí là buông lỏng đang xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và với không ít người. Vì vậy mới có không ít vụ cháy xảy ra tại các khu công nghiệp, nhà máy rất nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề chỉ vì hệ thống báo cháy và chữa cháy bị tê liệt do không có sự quan tâm đầu tư đúng mức về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Trong khi đó, với nhiều khu dân cư, nhất là các chung cư cao tầng, công tác phòng cháy chữa cháy đang có quá nhiều bất cập. Phần lớn các khu chung cư đều thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy như: bình bọt, đường nước chữa cháy, chuông báo cháy, bể nước phục vụ riêng cho cứu hỏa, thậm chí nhiều nơi thang thoát hiểm còn bị biến thành kho hàng hóa. Cùng với đó là một bộ phận không nhỏ người dân thiếu ý thức phòng chống cháy nổ (khi còn nhiều người cố tình hút thuốc lá tại khu vực hầm để xe, hóa vàng vứt than cho vào hệ thống thu gom rác) gây ra những mối nguy hiểm cho cộng đồng. Nguy hiểm hơn khi trong thời gian qua, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đối với công tác phòng chống cháy nổ cũng đang bị xem nhẹ. Do đó mới có chuyện một “tổng kho” thu gom, tập kết, tái chế, phân loại, trong đó có không ít vật liệu nổ tồn tại hàng năm trời giữa khu đô thị Văn Phú mà chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không hề có biện pháp xử lý và chỉ khi hậu quả vô cùng nặng nề đã xảy ra thì mới vội vàng thanh tra, kiểm tra.
Chúng ta đang sống trong những ngày của Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ năm 2016, trong đó một trong những hoạt động cao điểm và trọng tâm là tăng cường thanh tra, kiểm tra các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, công trình cao tầng về an toàn lao động và an toàn cháy nổ. Thế nhưng, để thực sự nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mọi người dân, doanh nghiệp, chính quyền các cấp về phòng chống cháy nổ, đòi hỏi cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn. Trong đó phải tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy cho người dân, gắn công tác này vào xây dựng gia đình văn hóa, nông thôn mới, khu dân cư và đô thị văn minh. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và chủ doanh nghiệp, chủ hộ sản xuất trong công tác phòng chống cháy nổ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các trường hợp không chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể buông lỏng, xem nhẹ công tác quản lý về an toàn phòng chống cháy nổ. Có như vậy, người dân mới không còn cảm thấy bất an, lo lắng trước hiểm họa cháy nổ, qua đó thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.
NGUYỄN QUỐC