Trong hoạt động kinh doanh, tình trạng “lãi giả, lỗ thật” đã khá phổ biến. Ở đó, nhà kinh doanh báo cáo lãi, nhưng chỉ để che giấu khoản lỗ. Lãi “giả” rất nhỏ so với lỗ “thật”, kể cả về giá trị và hậu quả phát sinh.
Rồi ở không ít công ty cổ phần, chuyện “lãi giả, lỗ thật” cũng từng phát tác. Nó xuất hiện trên các báo cáo tài chính, nhằm đánh bóng thương hiệu, phục vụ huy động vốn; hoặc để làm giá cổ phiếu…
Sau nhiều cọ xát với thực tế kinh doanh không trung thực, cho đến nay, quy định của pháp luật đã bóc tách được thủ thuật “lãi giả, lỗ thật” của nhiều doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, ở mảng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lại xuất hiện tình trạng “lỗ giả, lãi thật”. Thực chất, đây là thủ thuật chuyển giá. Doanh nghiệp FDI thực hiện nâng khống giá nguyên liệu đầu vào lên cao, trong khi giá bán sản phẩm dịch vụ đầu ra không tăng, rồi báo cáo lỗ nhằm trốn thuế. Hai năm trước, trong số hơn 1.300 doanh nghiệp FDI nộp báo cáo tài chính năm 2009 về Cục Thuế TPHCM, có tới 56% báo cáo lỗ. Năm 2010, tình trạng này đã giảm. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp báo lỗ nhưng vẫn liên tục mở rộng kinh doanh.
Càng báo cáo tăng chi phí đầu vào càng nhiều, công ty đặt ở Việt Nam lỗ càng lớn. Tuy nhiên, khoản lỗ này thực chất lại “cân bằng” với khoản lãi của công ty thông đồng ở nước ngoài - cũng là bên bán nguyên vật liệu. Không cần phải làm ăn có lãi chi cho mệt, công ty FDI ở Việt Nam cứ ung dung lỗ triền miên!
Xét về mặt lợi ích riêng của chủ doanh nghiệp, “lãi thật, lỗ giả” có ba tác dụng. Thứ nhất, là trốn nộp thuế ở quốc gia sở tại. Thứ hai, khoản lãi được hạch toán ngay ở đầu ra của công ty ở nước ngoài (tức đầu vào của công ty trong nước). Thứ ba, chủ doanh nghiệp vẫn có lãi thực mà không cần thực hiện nghiệp vụ chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Xét theo lý luận cổ điển về kinh doanh, một doanh nghiệp phải có lãi (tính trên hiệu quả cuối cùng) mới tồn tại được. Nhưng trong trường hợp vừa nêu, doanh nghiệp cứ việc lỗ giả mà vẫn khỏe, bởi trốn được thuế. “Nạc” họ đã lấy hết, chỉ còn lại “xương”.
Bản thân pháp luật thường có độ trễ. Từ tổng kết thực tiễn, đến hoàn thiện luật và ban hành thông thường là một đoạn đường dài. Thực tế Việt Nam, con đường đó rất dài, bởi một dự thảo luật còn bị “khúc xạ” qua nhiều tầng nấc, nhiều lợi ích trước khi được Quốc hội bàn thảo và thông qua. Đã có độ trễ theo thông lệ, luật còn một độ trễ hiểm yếu hơn, do tiên liệu kém. Tính tiên liệu của luật là một công cụ “bảo hiểm”, nhằm để luật không bị lạc hậu khi được áp dụng, điều chỉnh trong tương lai. Vì vậy, lỗ hổng này cần được sớm lấp đầy, trong cả luật về đầu tư và luật thuế.
Mặt khác, rất cần các soi chiếu hiệu quả từ hoạt động của cơ quan chức năng. Một quy định đã được thực hiện trong thời gian qua là buộc doanh nghiệp phải kê khai chi tiết giao dịch kèm theo tờ khai thuế. Từ đó, có cơ sở phân tích kỹ báo cáo lỗ hàng năm của doanh nghiệp FDI để phân loại rõ nguyên nhân lỗ do mới đầu tư, do rủi ro hoặc thiên tai; còn lại là lỗ một cách không bình thường. Nếu đủ chứng cứ, sẽ phạt nặng hoặc chuyển cơ quan điều tra xử lý hành vi trốn thuế. Song song đó, là ngăn chặn việc cán bộ thuế “đi đêm” với doanh nghiệp.
VŨ THƯỢNG