Ngăn chặn một loại tội phạm mới

Hiện đang vào mùa tiêu thụ mạnh các loại nông sản, thực phẩm, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường cả trong Nam, ngoài Bắc khá dồi dào. Nhưng trong khi các vấn nạn cũ về an toàn vệ sinh thực phẩm, nông sản như rau thịt cá... không đảm bảo chất lượng chưa được giải quyết, thời gian qua lại rộ lên hàng loạt nghi ngờ về những chất cấm độc hại mới phát hiện trong thực phẩm.

Trong tháng 3 và 4, cả nước rộ lên chuyện thịt heo có chứa chất tăng trọng và kích nạc cực kỳ độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Sau đó, Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan chức năng vào cuộc, phát hiện hàng loạt vụ nhập lậu nhóm chất cấm Beta-Agonist và lén lút bán cho người chăn nuôi sử dụng, rút ngắn thời gian chăn nuôi, sinh trưởng của heo. Đồng thời, kiểm tra các mẫu thu thập thịt heo cũng phát hiện một tỷ lệ chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist.

Nhưng ngay sau khi tình trạng thịt heo nhiễm chất cấm vừa nguôi, đến giữa tháng 4, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM lại phát hiện một số mẫu cá điêu hồng tại chợ Bình Điền có dư lượng hóa chất cấm Trifluralin. Mặc dù Trifluralin là chất có khả năng gây ung thư chỉ xếp ở mức trung bình, có nguy cơ gây bệnh thấp không phải cực độc nhưng cũng gây bức xúc trong dư luận.

Bước sang tháng 5, lại thêm hàng loạt vụ thực phẩm có chứa chất cấm khác làm người tiêu dùng cả nước quan tâm, lo lắng. Mở đầu là thông tin trong cải thảo Trung Quốc có nhiễm chất Formaldehyde nguy hại. Chính lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cũng phải thừa nhận, tình trạng sử dụng chất cấm trong rau quả và nông sản ngày càng nóng bỏng.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, khi kiểm tra an toàn vệ sinh hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật từ đầu năm 2012 đến cuối tháng 4, đã phân tích 315 mẫu, phát hiện 71 mẫu có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Đặc biệt, đã phát hiện một mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng endosulfan, là hoạt chất đã cấm sử dụng ở Việt Nam. Gần đây nhất, cơ quan thú y còn phát hiện có tình trạng sử dụng một loại hóa chất để tẩy trắng và làm thịt ôi thiu trở lại tươi mới.

Trước tình hình trên, để lập lại trật tự trong an toàn vệ sinh thực phẩm, giải tỏa nỗi băn khoăn, lo lắng cho người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, các cơ quan chức năng của bộ đang vào cuộc để ngăn chặn, truy lùng chất cấm. Thực phẩm hiện nay đang lưu thông trên thị trường, các cơ quan chức năng không thể không nắm bắt được nguồn gốc sản xuất ở đâu, được sử dụng những chất cấm nào. Cần coi việc đưa chất cấm vào thực phẩm như một loại tội phạm. Các lực lượng có thể tìm ra những đường dây vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm “bẩn”.

Và để kiểm soát chất cấm trong thực phẩm, phải ngăn chặn từ gốc, không thể theo kiểu “thả gà ra đuổi”. Cũng có thông tin một số loại thực phẩm “bẩn” được tuồn ra từ các lô hàng tạm nhập tái xuất, vì vậy cơ quan thú y phải kiểm soát chặt ở các cửa khẩu. Chính phủ cũng cần xem lại chính sách tạm nhập tái xuất thực phẩm.

Trong khi các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn chất cấm vẫn còn loay hoay tìm giải pháp, nhiều khi chưa thực sự chủ động điều tra thị trường, cung cấp thông tin rộng rãi, người tiêu dùng đang phải khổ sở, đắn đo từng bữa với câu hỏi nên mua hàng nào, ăn món nào để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục