Hai ngày qua thị trường vàng trong nước nhảy múa loạn xạ không theo quy luật nào. Giá vàng trong nước thoát ly giá thế giới với khoảng cách có lúc chênh lệch lên đến trên 2 triệu đồng/lượng. Sáng 9-8, giá vàng trong nước tiếp tục tăng thêm gần 2 triệu đồng/lượng, lên đến mức kỷ lục 46,3 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội, người dân tiếp tục xếp hàng dài ở các cửa hàng kinh doanh vàng để mua vàng, bất chấp khuyến cáo khi đầu tư vào vàng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đưa ra tối hôm trước.
Trước cơn bão giá vàng, trưa 9-8 NHNN đã thông báo: Trong ngày 9-8 NHNN đã cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng để sản xuất vàng miếng, bổ sung nguồn cung trong nước.
Trong những ngày tới, NHNN dự kiến tiếp tục cấp giấy phép nhập khẩu thêm 5 tấn vàng để cung cấp thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu của người dân và tiếp tục khuyến cáo người dân thận trọng khi quyết định mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới diễn biến phức tạp hiện nay để tránh thiệt hại, rủi ro.
Giá cả tăng nóng nhưng người dân và một số tổ chức vẫn mua tích trữ, bất chấp mặt bằng giá thế giới… rõ ràng thị trường vàng đang bộc lộ sự vận hành thiếu lành mạnh. Điều này có nguyên nhân đầu cơ, làm giá để trục lợi của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng nhưng mặt khác với cơ chế hiện nay, khi giá vàng thế giới đột ngột tăng cao, nhiều tổ chức kinh doanh vàng dù không muốn nhưng “buộc phải làm giá”, bởi lẽ do nguồn cung khan hiếm, vàng nhập khẩu không về kịp nên khi bán ra một lượng vàng nhất định ở thời điểm sốt doanh nghiệp khó có thể mua lại sau đó với mức giá tương đương. Vì thế, họ buộc phải đẩy giá lên mức cao hơn giá thế giới để dự phòng khả năng có thể mua lại với mức giá đã bán ra.
Thị trường vàng diễn biến hết sức phức tạp. Tại TPHCM ngày hôm qua gần như toàn bộ các tiệm vàng nhỏ không bán hàng, nhân viên ngồi chơi. Chỉ một số cửa hàng lớn mới cập nhật giá mua bán trên bảng điện tử. Trước tình trạng này, việc quản lý thị trường vàng một lần nữa bộc lộ bất cập: NHNN quản lý việc xuất nhập khẩu vàng; Bộ Công Thương quản lý thị trường bán lẻ; Bộ Tài chính quản lý khung thuế suất… Và trước tình trạng nước sôi lửa bỏng lại thiếu một đầu mối quản lý để can thiệp thị trường hiệu quả! Từ đầu năm đến nay, trước tình trạng “chảy máu” vàng, đã có nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên tích cực mua vàng để bình ổn thị trường khi cần thiết. Tuy nhiên, mặc cho vàng cứ xuất đi, còn ứng xử của nhà điều hành là chỉ mua lại ngoại tệ. Vì thế, khi thị trường biến động NHNN gần như trở tay không kịp. Hệ quả là thị trường hỗn loạn trước sự “nhảy múa” bất thường của giá vàng.
Sau khi NHNN cho phép nhập khẩu ngay 5 tấn vàng, chiều 9-8 giá vàng trong nước đã hạ nhiệt, giảm xuống mức 45 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, với việc cho nhập vàng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đứng trước thách thức mới là sẽ gây áp lực lên tỷ giá và nhập siêu, càng tác động đến nguy cơ bất ổn vĩ mô. Thực tế cho thấy trong mấy ngày gần đây, giá USD và giá vàng gần như song hành với nhau về tốc độ tăng. Đầu tháng 8, tỷ giá ở mức 20.610 VND/USD thì đến ngày 8-8 đã tăng lên đến 20.800 VND/USD. Sáng 9-8, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại đã tăng kịch trần, và trên thị trường tự do tỷ giá đã vượt mốc 21.000 VND/USD. Nhập siêu trong tháng 7 vừa qua đã giảm nhưng chưa bền vững, bởi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với nhập khẩu là do xuất khẩu vàng. Nay lại cho nhập vàng thì có khả năng mức nhập siêu sẽ tăng trở lại!
Để quản lý thị trường vàng hiệu quả, rất cần những giải pháp mang tính căn cơ hơn. Tại Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã giao cho NHNN kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; trong quý II năm 2011 trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới… Nay việc này chưa triển khai một cách đồng bộ, căn cơ thị trường đã biến động. Việc kiềm chế giá USD, giá vàng liên thông và thấp hơn giá vàng thế giới trong một thời gian dài vừa qua có nguy cơ bị xóa sạch!
Tình thế trên cho thấy đã đến lúc NHNN cần bổ sung vàng vào dự trữ ngoại hối nhà nước để có thể can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua việc tổ chức đơn vị đầu mối sản xuất, mua bán vàng trên thị trường trong nước và quốc tế để có công cụ hỗ trợ kịp thời khi thị trường vàng biến động. Cơ chế can thiệp kiểu cũ “sốt giá - cấp quota nhập khẩu” xem ra đã lỗi thời, không phát huy tác dụng.
Sau khi được Quốc hội khóa XIII bầu tiếp tục giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu 3 khâu đột phá của Chính phủ nhiệm kỳ mới: “Nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 là phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, chứng khoán, bất động sản, khoa học công nghệ được tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt, có tính cạnh tranh cao và gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới, được quản lý và giám sát hiệu quả” (Báo SGGP, trang 3 ngày 1-8-2011). Điều này xem ra mang tính thời sự, cấp thiết hơn lúc nào hết. Vấn đề đặt ra là cách làm, tính hiệu quả.
LÊ TIỀN TUYẾN