Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ phải thực hiện việc thoái vốn tại 10 công ty, trong đó có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); Bộ Công thương thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Việc thoái vốn sẽ được thực hiện bắt đầu từ năm nay.
Trong năm nay, SCIC sẽ tiến hành thoái 9% vốn trong số 45% cổ phần nắm giữ tại Vinamilk. Với Sabeco, đợt 1, trong năm 2016, Bộ Công thương dự định thoái 53,59% tỷ lệ nắm giữ (dự kiến thu về 24.000 tỷ đồng và 36% cổ phần còn lại thực hiện trong năm 2017, ước thu về 16.000 tỷ đồng). Còn Habeco, Bộ Công thương dự kiến thực hiện việc thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước là 81,79% (ước thu về khoảng 9.000 tỷ đồng). Vinamilk, Sabeco, Habeco là những tên tuổi “nóng” nhất trong kế hoạch thoái vốn năm nay của Nhà nước và là “món hàng” được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước ngóng đợi từ lâu.
Theo ước tính sơ bộ, với 9% cổ phần được bán trong năm 2016, thị giá khoảng 140.000 đồng/cổ phiếu thì số thu của SCIC khi bán cổ phiếu Vinamilk sẽ thu về khoảng 15.000 tỷ đồng. Nếu cộng với Sabeco, Habeco thì số thu về cho Nhà nước từ nay đến cuối năm 2016 của 3 doanh nghiệp này khoảng 48.000 tỷ đồng.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, việc thoái vốn phải công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, theo cơ chế thị trường và bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, lợi ích cao nhất của đất nước, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước. Ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn.
Như vậy, cả 3 doanh nghiệp nêu trên, dù đã niêm yết (Vinamilk) hay chưa niêm yết (Sabeco, Habeco), trước khi đưa ra giá khởi điểm đấu giá thì sẽ phải tiến hành định lại giá trị. Đây là điều hết sức cần thiết khi mà ngoại trừ Vinamilk đã niêm yết nên cơ bản giá trị doanh nghiệp đã được thị trường định giá còn Sabeco, Habeco dù đã cổ phần hóa lâu nhưng đến nay vẫn chưa niêm yết và giá giao dịch trên thị trường tự do không phản ánh được hết giá trị doanh nghiệp. Nếu không thực hiện chặt chẽ việc định giá, công khai, minh bạch trước khi đấu giá thì việc thất thoát có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia, để ngăn ngừa lợi ích nhóm, thất thoát trong việc thoái vốn tại những doanh nghiệp trên, việc quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch. Để việc đấu giá thành công thì các bước đi cần phải được tiến hành thận trọng, từ tổ chức đấu thầu thuê tư vấn định giá; công khai các báo cáo tài chính của doanh nghiệp; công bố thông tin rộng rãi để nhà đầu tư tìm hiểu; niêm yết trên thị trường chứng khoán... Việc này sẽ giúp các nhà đầu tư có cơ hội tìm hiểu doanh nghiệp, tham gia đấu giá, từ đó tạo sự cạnh tranh trong đấu giá, ngăn ngừa sự liên kết, thao túng giá.
Để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi Nhà nước đã có chủ trương không giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài với những ngành nghề như sữa, bia thì việc quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp càng được thực hiện rộng rãi càng tốt. Bởi lẽ, điều này sẽ thu hút sự tham gia của các đối tác nước ngoài có tiềm lực và giá bán có thể sẽ tốt hơn khi mà nguồn lực trong nước khó hấp thụ được lượng vốn khổng lồ này.
Trên thực tế, việc đấu thầu trong mua sắm tài sản nhà nước dù đã được công khai nhưng vẫn có hiện tượng thông thầu, liên kết với nhau nhằm tạo ra giá mua bán bất hợp lý. Chính vì vậy, việc thoái vốn tại những “con gà đẻ trứng vàng” này cần phải được thực hiện một cách khoa học, tôn trọng quy luật thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng dựa trên các thông lệ quốc tế, sự giám sát của các bên liên quan. Có như vậy, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trên mới thực sự mang lại hiệu quả, tạo tiền đề tốt cho những lần thoái vốn tiếp theo.
QUANG MINH