Ngăn chặn tình trạng bầu thay, “bỏ phiếu mù”...

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP chiều qua 8-4, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Thường trực Tiểu ban Thông tin và Tuyên truyền Hội đồng Bầu cử Trung ương, nhận định công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về bầu cử đến người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP chiều qua 8-4, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Thường trực Tiểu ban Thông tin và Tuyên truyền Hội đồng Bầu cử Trung ương, nhận định công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về bầu cử đến người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng.

- PV: Chỉ còn hơn một tháng nữa là cuộc bầu cử sẽ diễn ra. Công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử trong thời gian tới sẽ chú trọng vào những vấn đề gì, thưa ông?

Ông NGUYỄN SĨ DŨNG: Tôi cho rằng đã đến lúc công tác tuyên truyền về bầu cử cần tập trung vào những vấn đề thiết thực nhất. Cụ thể, phải làm thế nào để ngăn chặn được những “căn bệnh” hết sức tai hại thường xảy ra trong bầu cử như bầu thay, “bỏ phiếu mù”, bỏ phiếu không hợp lệ…

Đơn cử như bầu thay. Cần nhấn mạnh để người dân hiểu rằng việc bỏ phiếu thay vừa là vi phạm pháp luật về bầu cử, vừa để lại những di hại rất to lớn, bởi khi đó những đại biểu Quốc hội (QH) được bầu ra không thực sự “chính danh”; tính đại diện cho ý chí và nguyện vọng cử tri của QH sẽ không cao. Song để làm được điều đó việc tuyên truyền không chỉ nhắm tới đối tượng cử tri mà còn phải tác động sâu sắc tới đội ngũ cán bộ làm công tác bầu cử nữa. Nếu cán bộ bầu cử kiên quyết thực hiện đúng quy định mà không dễ dãi đưa phiếu cho người bầu thay thì tình trạng này không thể xảy ra. Đồng thời, công tác thi đua cũng phải tính kỹ, chứ không thể dựa vào tiêu chí đơn giản là bỏ phiếu xong sớm…

Tương tự, những hành vi bầu cử thiếu trách nhiệm như “bỏ phiếu mù” (gạch tên những ứng cử viên ở đầu hoặc cuối danh sách bầu cử mà không nghiên cứu kỹ tiểu sử, năng lực, chương trình hành động của ứng cử viên) hoặc bỏ phiếu không hợp lệ do thiếu sự cẩn trọng cần thiết, không nắm vững thể lệ bầu cử… cần phải được làm rõ; từ đó giúp cử tri hiểu và thực hiện đúng quyền lợi, trách nhiệm của mình.

Kinh nghiệm từ các cuộc bầu cử trước cho thấy, tuyên truyền để người dân đi bầu cử đông đủ không phải là vấn đề quá lớn đối với chúng ta. Cái khó nhất, theo tôi là làm thế nào để việc bầu cử được tiến hành thực chất và có chất lượng nhất.

- Nhưng chất lượng bầu cử chỉ có thể cao khi cử tri hiểu rõ về các ứng cử viên…

Chắc chắn là như vậy. Theo kết quả điều tra từ cuộc bầu cử (QH khóa XII), chỉ có 8% số cử tri biết được về các ứng cử viên thông qua các cuộc vận động bầu cử và khoảng 12% cử tri biết ứng cử viên thông qua việc theo dõi đài phát thanh, truyền hình… 70% cử tri biết ứng cử viên qua việc đọc tiểu sử được niêm yết của họ. Bằng nhiều cách khác nhau, công tác tuyên truyền phải “gửi” được thông tin về ứng cử viên đến từng cử tri. Tôi cho rằng Hà Nội là một trong những địa phương làm rất tốt công tác này: tiểu sử của các ứng cử viên được gửi đến từng gia đình.

Như vậy, tiểu sử của các ứng cử viên có ý nghĩa rất lớn trong việc làm cho cử tri biết tới họ. Tuy nhiên, với cách thông tin rất vắn tắt như hiện nay, nhiều khi cử tri vẫn rất khó cân nhắc và lựa chọn.

- Liệu có nên thay đổi cách thức giới thiệu về ứng cử viên theo hướng chi tiết hơn, kèm theo chương trình hành động vắn tắt thể hiện rõ quan điểm của ứng cử viên không, thưa ông?

Đó cũng là một ý kiến hay. Cá nhân tôi cho rằng cơ quan bầu cử cũng nên cân nhắc việc này.

Bảo Vân thực hiện

Tin cùng chuyên mục