Ngăn chặn xung đột thông tin mạng

Nghị định 142 của Chính phủ vừa mới ban hành quy định rõ nguyên tắc, nội dung, biện pháp, hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.

Cụ thể, cơ quan nghiệp vụ ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng là các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ TT-TT được giao nhiệm vụ tham mưu, tổ chức, trực tiếp thực hiện ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phải thực hiện chặn lọc thông tin khi có một trong các yếu tố: xác định được nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia; khi xác định rõ tính hợp lý về yêu cầu của bên bị xung đột thông tin trên mạng; khi có yêu cầu của các cơ quan nghiệp vụ.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ loại trừ xung đột thông tin trên mạng khi: xác định rõ nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng; nhân lực, biện pháp công nghệ, kỹ thuật và đấu tranh ngoại giao có đủ khả năng để loại trừ xung đột thông tin trên mạng; thông báo đến tổ chức, cá nhân có liên quan đối với nguồn thông tin gây xung đột thông tin trên mạng.

Dự báo, tình hình an toàn thông tin tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng bùng nổ trên thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo đó, tội phạm mạng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, các công cụ, vũ khí tấn công mạng được xây dựng bởi những lực lượng có chuyên môn cao, đầu tư lớn và bài bản, thậm chí đã được cung cấp như một dịch vụ công nghệ thông tin ở quy mô xuyên quốc gia.

Đến thời điểm hiện tại, vấn đề xung đột mạng vẫn còn mới mẻ và chưa được quy định chặt chẽ. Chưa có hiệp ước hay luật quốc tế nào về an toàn, an ninh mạng ra đời mà chỉ tồn tại một bộ quy tắc tuy có thể tạm xem là chuẩn mực nhưng còn mang tính chắp vá nhằm xác định những cách hành xử được chấp nhận trên không gian mạng.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri TPHCM mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: vấn đề an toàn và an ninh mạng là rất quan trọng, không thể xem nhẹ. “Lỗ hổng an ninh mạng không nhỏ đâu, nó như con khủng long ấy. Đây là vấn đề rất cấp thiết, nếu xảy ra thì hậu quả khôn lường. Chúng ta đang sống trong một thế giới không chỉ phẳng, mà còn tiếp nối, một vụ việc xảy ra có tác động, ảnh hưởng rất nhanh. Các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo, Việt Nam là một trong những quốc gia mục tiêu hàng đầu của chiến tranh mạng. Chúng ta phải chủ động xây dựng chiến lược an ninh mạng một cách đồng bộ. Phải đảm bảo toàn vẹn chủ quyền an ninh quốc gia, không chỉ là vùng trời vùng đất vùng biển, mà còn phải trên cả mặt trận không gian mạng” - Chủ tịch nước nêu rõ.

Ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng không đơn thuần chỉ là việc bảo mật hay xử lý truyền thông, mà là trách nhiệm của rất nhiều bên liên quan, từ cá nhân đến doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; từ biện pháp kỹ thuật đến hoạt động truyền thông và cả đấu tranh ngoại giao; từ nội bộ trong nước đến việc hợp tác quốc tế. Chưa nói đến vấn đề chiến tranh mạng hay xung đột quốc gia, chỉ riêng những thông tin về kinh tế và đời sống xã hội sai trái trên mạng đã có hậu quả khó lường. Sự cố hệ thống mạng của Vietnam Airlines và một loạt các ngân hàng bị hacker tấn công, cũng như hàng loạt website cơ quan quản lý nhà nước (có đuôi gov.vn) bị cài mã độc gần đây cho thấy rõ điều đó.

Rõ ràng, trong một thế giới mà công nghệ thông tin, viễn thông và Internet ngày càng chi phối mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội cũng như sinh hoạt cá nhân thì tự bảo vệ mình, hạn chế những rủi ro là điều mà tất cả mỗi tổ chức, cá nhân cần phải luôn ý thức, đề cao.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục