TPHCM chuẩn bị thí điểm ủy thác Quỹ Xóa đói giảm nghèo qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh TPHCM. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tiên, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh TPHCM, xoay quanh vấn đề này và việc cho người nghèo vay vốn.
* PV: Thưa ông, vì sao TPHCM lại ủy thác Quỹ Xóa đói giảm nghèo sang Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM?
- Ông TRẦN VĂN TIÊN: Tại TPHCM, đến giữa năm 2015, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của Trung ương và TP do Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM quản lý đạt hơn 2.252 tỷ đồng, với trên 150.000 khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo (chiếm khoảng 50%) và các đối tượng chính sách khác (50%). UBND TPHCM đánh giá, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tham gia thiết thực, hiệu quả vào các chương trình mục tiêu của TP.
Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay ưu đãi hiện nay tại Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM còn hạn chế, bị phân tán, chưa đáp ứng được yêu cầu của người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhằm triển khai sâu rộng chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Thành ủy - UBND TPHCM đã chỉ đạo tập trung các nguồn vốn cho vay ưu đãi trên địa bàn TPHCM có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, chuyển giao hoặc ủy thác tập trung vào một đầu mối thực hiện là Ngân hàng Chính sách xã hội, nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý nguồn vốn cho vay theo quy định của Trung ương và thực hiện quản lý cho vay theo một phương thức thống nhất.
Đoàn giám sát của HĐND TPHCM thăm bà Trần Thị Bích Ngọc (bìa trái; trú phường 12, quận Phú Nhuận), hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM, vươn lên thoát nghèo
* Lộ trình của việc chuyển giao sẽ diễn ra thế nào?
- Từ cuối tháng 11-2015, các quận 11, Tân Phú và huyện Bình Chánh sẽ thí điểm đầu tiên. Nếu trôi chảy, giữa năm 2016 sẽ mở rộng ra các quận, huyện còn lại. Tổng nguồn vốn tại 3 địa phương thí điểm khoảng 40 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ khoảng 35 tỷ đồng. Tại 24 quận, huyện, tổng nguồn vốn khoảng 300 tỷ đồng, dư nợ khoảng 250 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp nhận nguyên trạng dư nợ mà Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM bàn giao, ủy thác để quản lý theo phương thức của ngân hàng.
* Phương thức cho vay của ngân hàng có gì khác?
- Chúng tôi sẽ áp dụng phương thức cho vay thống nhất như các chương trình cho vay mà Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện. Hình thức cho vay theo từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người đại diện để liên hệ vay vốn. Mức vay tối đa cho một hộ gia đình nghèo, cận nghèo và hộ vượt chuẩn cận nghèo là 50 triệu đồng/hộ.
Các khoản vay của hộ nghèo, cận nghèo, vượt chuẩn cận nghèo, diện chính sách khác đều là vay tín chấp. Tất cả các thủ tục, giấy tờ, đều được ngân hàng cấp miễn phí. Tức là người dân không phải trả bất kỳ loại phí nào cả, ngoài lãi suất vay vốn (0,5%/tháng, lãi suất quá hạn 0,7%/tháng).
Các hộ muốn vay không cần viết dự án. Ngân hàng có mạng lưới 3.254 tổ tiết kiệm và vay vốn trên từng địa bàn khu phố, ấp. Tổ tiết kiệm và vay vốn có thành phần ban quản lý do các thành viên trong cộng đồng dân cư đó bầu lên. Ở từng khu phố, ấp đều có tổ này, do chúng tôi đào tạo và trả hoa hồng. Tổ phục vụ riêng cho ngân hàng nhằm chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, tất cả thủ tục vay vốn, danh sách các tổ tiết kiệm và vay vốn, điện thoại nhân sự đều niêm yết công khai ở UBND xã, phường, thị trấn cho người dân dễ tìm hiểu.
* Trước đây, có thể nhiều thành viên trong hộ nghèo cùng đứng tên vay nhiều món. Nay mỗi gia đình chỉ được cử một người đại diện, vậy cơ hội của người nghèo có ít đi?
- Một người đại diện vay so với 3 người đứng tên vay 3 món sẽ không khiến hộ nghèo, cận nghèo thiệt thòi vì trần vay cho mỗi gia đình tối đa vẫn là 50 triệu đồng. Việc gom lại như thế giúp công tác quản lý thuận lợi hơn, rõ ràng hơn.
* Hộ nghèo, cận nghèo có được tái vay vốn? Có khi nào ngân hàng giữ mức độ an toàn cho mình mà mình từ chối người dân không?
- Tùy theo mục đích sử dụng vốn mà có chu kỳ hợp lý, từ 12 - 60 tháng. Đối tượng vay là hộ nghèo, cận nghèo (có mã số), hộ vượt chuẩn cận nghèo có sức lao động nhưng thiếu vốn để sản xuất kinh doanh hay làm mục tiêu gì đó cho gia đình mà tạo ra thu nhập. Các hộ có nhu cầu và có khả năng trả nợ thì được vay chứ không tính đến chuyện họ vay lần thứ mấy. Tôi khẳng định, các hộ có sức khỏe, muốn làm ăn là chúng tôi giải quyết hết. Còn đương nhiên, khó khăn nhưng lại không chịu lao động, không chịu làm ăn thì chắc chắn là không vay được rồi.
| |
ĐƯỜNG LOAN (thực hiện)