Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo: Năm 2011, Việt Nam tăng trưởng GDP 5,8%

Trong Báo cáo cập nhật kinh tế châu Á năm 2011 được công bố hôm qua 14-9 tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 của Việt Nam sẽ ở mức 5,8%, thấp hơn mức dự báo 6,1% mà ngân hàng này đưa ra hồi đầu năm. Mức lạm phát của Việt Nam trong năm 2011, theo ADB, sẽ ở mức khoảng 18,7%.

(SGGP).- Trong Báo cáo cập nhật kinh tế châu Á năm 2011 được công bố hôm qua 14-9 tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 của Việt Nam sẽ ở mức 5,8%, thấp hơn mức dự báo 6,1% mà ngân hàng này đưa ra hồi đầu năm. Mức lạm phát của Việt Nam trong năm 2011, theo ADB, sẽ ở mức khoảng 18,7%.

Theo ADB, với gói chính sách ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11, Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả bước đầu trong việc góp phần ổn định tỷ giá, cho phép nâng mức dự trữ ngoại hối (ước tính đạt 15,2 tỷ USD vào cuối tháng 6-2011), giảm tốc độ tăng lạm phát theo tháng trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8.

Tuy nhiên, ADB cho rằng còn quá sớm để Việt Nam có thể nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô bởi lạm phát tính theo năm vẫn ở mức trên 20%. Việc nới lỏng chính sách quá sớm có thể làm giảm hiệu quả những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, làm mất niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào đồng nội tệ. Triển vọng ngắn hạn phụ thuộc nhiều vào việc Chính phủ thể hiện được cam kết tiếp tục khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Việc duy trì và thực hiện nhất quán Nghị quyết 11 sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam giảm lạm phát và hạ lãi suất”.

Dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam ổn định kinh tế nhưng ADB cũng bày tỏ mối lo ngại rằng thị trường vẫn đang nhận được những tín hiệu khác nhau về các chính sách tài chính tiền tệ và điều này đang làm giảm hiệu quả của gói chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Các nhà đầu tư, người dân sẽ có niềm tin hơn vào quản lý kinh tế nếu các chính sách và việc xây dựng chính sách mang tính rõ ràng, thống nhất, minh bạch hơn.

Theo ông Tomoyuki, khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên trước mắt nhưng việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát cao đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn trong việc cải cách cơ cấu. Những cải cách này bao gồm việc giảm dần những “nút thắt cổ chai” trong sản xuất và lưu thông, bảo đảm an toàn cho ngành tài chính, tăng cường hiệu quả đầu tư công, áp đặt những nguyên tắc thị trường đối với các doanh nghiệp lớn của nhà nước.

Năm 2012, ADB đưa ra dự báo lạc quan hơn cho kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5% và lạm phát sẽ giảm xuống mức 11%. Tuy nhiên, ADB lưu ý dự báo này dựa trên giả định rằng Chính phủ sẽ duy trì chính sách thắt chặt tài chính và tiền tệ cho tới khi lạm phát sụt giảm, niềm tin vào tiền đồng được củng cố, dự trữ ngoại tệ tiếp tục được tăng cường.

Theo ADB, đánh giá triển vọng này có thể gặp rủi ro nếu như việc tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới biến động. Trong trường hợp đó, xuất khẩu, đầu tư và kiều hối sẽ đều thấp hơn so với dự báo. Rủi ro trong nước nằm ở việc nới lỏng quá sớm các chính sách kinh tế vĩ mô hoặc tâm lý cho rằng chính sách được nới lỏng hơn. Vì thế, việc khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư đòi hỏi những hành động, chính sách nhất quán và lâu dài.

B. MINH

Tin cùng chuyên mục