
Nhiều ngân hàng Mỹ làm ăn vỡ nợ hoặc thiếu vốn đã trở thành món hời cho các tập đoàn tài chính Trung Quốc. Cú đột nhập vào hệ thống tài chính Mỹ cho thấy Trung Quốc lại tiến thêm một bước vào vị thế “tay chơi” có cỡ trên sân chơi kinh tế toàn cầu; tuy nhiên, luật chơi của Mỹ dành cho Trung Quốc đã không thật sự công bằng…
Tìm kiếm cơ hội bên ngoài Trung Quốc

Hệ thống ngân hàng Trung Quốc bùng nổ mạnh với những cuộc đầu tư vào thị trường tài chính nước ngoài
Khi Ngân hàng Minh Sanh (Minh Sanh) tìm kiếm cơ hội bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc vào hè 2007, UCBH Holdings (UCBH) tại San Francisco đã trở thành mục tiêu lý tưởng, nơi đang cần 205 triệu USD cho một thương vụ sáp nhập. Trong khi đó, Minh Sanh (lớn thứ 8 Trung Quốc) lại cần một đối tác tiềm năng chuyên về lĩnh vực ngân hàng tư và quản lý nguồn vốn rủi ro. Thế là ngày 8-10-2007, Minh Sanh đồng ý mua 9,9% cổ phần trong UCBH, trở thành thương vụ đầu tiên của một ngân hàng Trung Quốc trên đất Mỹ. “Đây là thời điểm thuận lợi nhất để đầu tư vào các ngân hàng Mỹ” - phát biểu của Hong Qi, phó chủ tịch điều hành Minh Sanh.
Với chiếc va li cộm tiền nhờ đưa cổ phiếu ngân hàng lên sàn giao dịch cùng sự tăng trưởng mạnh ở thị trường nội địa, nhiều ngân hàng Trung Quốc đang nhắm đến thị trường tài chính Mỹ. Những ngân hàng hàng đầu như Industrial & Commercial Bank of China (ICBC) hoặc China Merchants Bank đều đã xin Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) giấy phép đăng ký mở chi nhánh tại Mỹ vào năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa được chuẩn y.
Theo luật, FED phải đồng ý bất kỳ giao dịch nào trong đó một ngân hàng nước ngoài mua hơn 5% cổ phiếu trong một ngân hàng Mỹ, cũng như phải chuẩn thuận bất kỳ đơn xin phép mở chi nhánh nào trên đất Mỹ. Đây là luật chơi có qua có lại, khi nhiều tập đoàn tài chính - ngân hàng Mỹ đã mở chi nhánh tại Trung Quốc cũng như mua cổ phần trong các ngân hàng nước này.
Theo tác giả Chi-Chu Tschang viết trên BusinessWeek (25-10-2007), sự quan tâm tăng dần của Trung Quốc đối với thị trường tài chính Mỹ còn xuất phát từ lý do khi vào thời điểm mà nhiều nhà đầu tư toàn cầu đang nuốt dần các ngân hàng Mỹ nhờ một phần bởi tình trạng đồng đô la yếu. Tháng 9-2007, Toronto-Dominion Bank đã mua Commerce Bancorp và Royal Bank mua Alabama National BanCorporation (cả hai người mua đều từ Canada).
Tháng 8-2007, Banco Bilbao Vizcaya Argentaria cũng hoàn tất hồ sơ thương vụ mua Compass Bank. Trung Quốc tất nhiên cũng tham gia cơn sốt này. Khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, Trung Quốc bắt đầu chấn chỉnh hoạt động ngân hàng và thực hiện chiến dịch tư nhân hóa. Kết quả, dòng chảy đầu tư từ các tập đoàn tài chính khổng lồ Mỹ, chẳng hạn Citigroup và Goldman Sachs, đã đổ vào Trung Quốc.
Đang cần kiến thức về đầu tư tài chính và kinh doanh ngân hàng, Trung Quốc đã trải thảm mời tất cả. Bây giờ, với vị thế vững chãi, họ lại hướng ống ngắm đến các thị trường tài chính khổng lồ phương Tây. Thoạt đầu, họ chỉ tập trung vào các thị trường nơi khách hàng mình có giao dịch thương mại-kinh doanh. Đó là lý do tại sao ngân hàng lớn thứ ba Trung Quốc - Ngân hàng xây dựng Trung Quốc (CCB) - mua chi nhánh Bank of America tại Hồng Công và Macao vào năm 2006. Tiếp đó, họ tìm kiếm đối tác chiến lược để có thể chuyên biệt hóa kỹ năng mở rộng dịch vụ tài chính. Giới điều hành Minh Sanh từng rất khâm phục khả năng UCBH điều phối hiệu quả với một nhóm quản trị gồm người Hoa lẫn Mỹ.
Tình thế đã thay đổi
Nhờ nguồn vốn từ giá trị cổ phiếu, các ngân hàng Trung Quốc cũng tự tin hơn trong giao dịch. Ba ngân hàng lớn nhất Trung Quốc hiện có mặt trong danh sách 20 ngân hàng hàng đầu thế giới về giá trị thị trường (tức giá trị cổ phiếu), với việc ICBC qua mặt Citigroup và Bank of America để trở thành ngân hàng giá trị nhất thế giới vào thời điểm tháng 7-2007. Thời điểm hiện tại, FED chần chừ việc cấp phép mở chi nhánh của ngân hàng Trung Quốc bởi cho rằng có thể họ làm ăn không đúng luật, ít nhất đó cũng là một cái cớ.
“Trong quá khứ, có thể chúng tôi có vấn đề nhưng tình thế bây giờ đã hoàn toàn thay đổi” - phát biểu của chủ tịch CCB Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing) với các nhà báo tại Đại hội Đảng lần thứ 17 ở Bắc Kinh ngày 17-10-2007 - “Ấy vậy mà Mỹ vẫn không thay đổi thái độ. Đó là một hành động không công bằng”. Phần mình, nhiều ngân hàng Mỹ - muốn tiếp cận sâu hơn vào thị trường đầy lợi nhuận Trung Quốc - có thể sẽ có lợi nếu FED có thái độ thân thiện hơn với Trung Quốc. Luật Đầu tư Trung Quốc chỉ cho phép ngân hàng nước ngoài đầu tư không quá 25% vào ngân hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Lưu Minh Khang (Liu Mingkang) - chủ tịch Ủy ban Quản lý ngân hàng quốc gia Trung Quốc - đã úp mở rằng nếu đối tác Mỹ cho phép ngân hàng Trung Quốc mở chi nhánh tại Mỹ, Trung Quốc có thể nâng tỷ lệ đầu tư cho các ngân hàng Mỹ. Babak Nikzad thuộc Công ty Dịch vụ tài chính KPMG tại Hồng Công nói rằng FED cần phải ứng xử phù hợp và nên đối xử với Trung Quốc theo cách như họ hành xử với các nước lớn khác.
Lê Thảo Chi