Những năm gần đây, tai nạn lao động trên các công trình xây dựng có chiều hướng gia tăng, trong đó nhiều vụ tai nạn để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cả về người và tài sản, đồng thời gây ra nỗi ám ảnh cho người dân sống xung quanh hoặc khi đi ngang qua công trình xây dựng cao tầng. Đây cũng là lý do Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội vừa phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đợt thanh tra quy mô lớn về an toàn lao động năm 2016 tại các công trình xây dựng và doanh nghiệp xây dựng trên cả nước với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn”. Đợt thanh tra lần này không chỉ là dịp nắm bắt tình hình thực thi pháp luật lao động, chấn chỉnh việc tuân thủ pháp luật tại các công trường xây dựng, xử lý những trường hợp vi phạm, mà còn phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách, từ đó kiến nghị cơ quan chức năng nhanh chóng đưa ra các giải pháp phòng ngừa, khắc phục hiệu quả.
Xây dựng là ngành thu hút nhiều vốn đầu tư nhất, kéo dài thời gian nhất và cũng là một trong những ngành có nhiều lao động tham gia nhất, nên hiểm họa tai nạn lao động vì thế cũng luôn luôn rình rập. Đặc điểm chung của các công trường xây dựng là tập trung nhiều ngành nghề với những công việc nặng nhọc, nguy hiểm trong khi mức độ cơ giới hóa thi công xây dựng chưa cao. Điều đáng quan tâm là đa số công nhân xây dựng đều là lao động phổ thông, tham gia thời vụ, phần nhiều chưa qua đào tạo bài bản, nên thiếu kiến thức về an toàn lao động và bản thân lại chưa ý thức tự bảo vệ mình.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp bảo đảm an toàn lao động cho công nhân. Nhiều vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn TPHCM cho thấy chủ doanh nghiệp không bảo đảm trang thiết bị an toàn cho người lao động, nhiều thiết bị cũ không được kiểm định, bảo dưỡng định kỳ, không ít thiết bị mới chưa có quy trình kỹ thuật vẫn được đưa ra vận hành… Trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau, việc thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng chưa thường xuyên, chưa quyết liệt và việc xử lý sai phạm cũng chưa nghiêm.
Thực tế nữa cũng cho thấy mặt trái của nhiều gói thầu giá rẻ. Để giảm tối đa chi phí, nhiều nhà thầu phụ đã cắt giảm kinh phí đến mức không còn gì để tiết kiệm được nữa, trong đó có các chi phí đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn lao động, nên họ tận dụng cả những thiết bị đã hết khấu hao, trang thiết bị kém chất lượng cho công nhân, buông lỏng quản lý an toàn lao động, không tổ chức thường xuyên an toàn lao động cho công nhân hoặc tổ chức huấn luyện sơ sài, hình thức… Thành ra mới có chuyện, nghe đoàn kiểm tra tới, nhiều doanh nghiệp xây dựng mới vội vàng đi sắm quần áo, trang thiết bị bảo hộ, có khi phải “bôi trơn” để né tránh bị xử phạt hành chính, hoặc che giấu thông tin tai nạn lao động.
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn mới chỉ quy lỗi cho người lao động, trong khi trách nhiệm thuộc về nhà thầu, giám sát, thiết kế thì chưa được xử lý, hoặc xử lý nhẹ, dẫn tới coi thường kỷ cương. Đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp chạy tội để được xử lý hành chính thay vì bị xử lý hình sự. Tình hình tai nạn lao động trong ngành xây dựng đang đặt ra cho các bên liên quan đến xây dựng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về công tác an toàn lao động, đặc biệt phải tổ chức huấn luyện cho người lao động; thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật trong quá trình thi công, kể cả các biện pháp thật nghiêm khắc đối với người lao động; có các biện pháp thường xuyên kiểm tra độ an toàn của máy móc, thiết bị; không chạy theo lợi nhuận mà buông lỏng hoặc khoán trắng cho người lao động về an toàn lao động. Mặt khác, bản thân người lao động phải luôn ý thức về nguy cơ tai nạn luôn rình rập để từ đó chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, biết cách tự phòng tránh tai nạn.
Một bất cập khác trong thực thi pháp luật về an toàn lao động, đó là việc xử lý đền bù cho người lao động bị tai nạn và xử lý trách nhiệm của chủ thầu chưa thỏa đáng. Nhiều trường hợp công nhân gặp nạn, doanh nghiệp chỉ xin lỗi, động viên và đền bù mang tính chất an ủi cho nạn nhân. Do vậy, cần thiết phải có các chế tài đủ mạnh về kinh tế để buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm đền bù thỏa đáng những thiệt hại mà người lao động phải gánh chịu, đồng thời kiên quyết điều tra, xử lý theo hướng tăng nặng các vi phạm của nhà thầu, công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông.
Trước thực trạng trên, đợt thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng năm 2016 mang nhiều ý nghĩa tích cực, góp phần cải thiện việc thực hiện các quy định và tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động, chế độ cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa và giảm các vụ tai nạn lao động.
TUẤN SƠN