Dù có lạc quan đến mấy, cũng không thể không nhận ra, thị trường bất động sản (BĐS) đang ẩn chứa nhiều bất ổn. Trước hết, thị trường vẫn chưa có cơ cấu hàng hóa phù hợp, còn dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp.
Bên cạnh đó, giá nhà ở còn cao so với thu nhập của người dân. Cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường BĐS từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án đến giao dịch đều chưa đồng bộ, thiếu minh bạch. Tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư hoặc ban quản lý các tòa nhà vẫn đang tiếp tục diễn ra, trong đó 70% tranh chấp có nguyên nhân từ việc quản lý quỹ bảo trì. Bức xúc của cư dân còn bùng phát ở nhiều nơi khi chất lượng căn hộ, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phòng cháy chữa cháy, giao thông kết nối... đều không đúng như cam kết của chủ đầu tư và không đúng với số tiền người dân bỏ ra.
Những bất ổn của thị trường BĐS còn thể hiện ở chỗ, tình trạng sốt đất nền đang sục sôi ở nhiều khu vực trên toàn quốc. Tình trạng cò thổi giá, gây sốt ảo được các chuyên gia dự báo có thể dẫn đến đổ vỡ thị trường trong nay mai, không chỉ thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư mà còn tác động xấu đến an ninh, trật tự xã hội.
Những vấn đề nêu trên đều đã được dư luận nói đến nhiều, cảnh báo từ lâu.Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, các giải pháp vẫn chủ yếu nằm trên giấy, hầu như chưa có tác động gì nhiều đến thị trường. Đơn cử, dù là đòi hỏi bức thiết của thị trường nhưng đến nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với một số loại hình BĐS mới, như: căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel), nhà trọ, phòng trọ cho thuê... Tương tự, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với những loại hình BĐS mới này. Sự chậm trễ được các bộ ngành lý giải là do... phải xử lý theo quy trình.
Dù trong các báo cáo mới nhất, Bộ Xây dựng vẫn khẳng định thị trường BĐS cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, thế nhưng, ghi nhận từ thực tế lại cho thấy, thị trường này đang bộc lộ nhiều tồn tại bất cập.
Vấn đề nghiêm trọng tới mức Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện ngay các giải pháp, trong đó, nhiều giải pháp đã được ấn định thời gian hoàn thành.
Cụ thể, Bộ Xây dựng phải bổ sung chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có khó khăn về nhà ở; ban hành sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy chế quản lý, vận hành đối với các loại hình BĐS mới trong quý 2.
Bộ Tài nguyên - Môi trường phải ban hành hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình BĐS mới trong quý 3. Các địa phương được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng BĐS trên địa bàn, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, tránh tình trạng để hoang hóa, lãng phí tài nguyên…
Thủ tướng đã giao trách nhiệm cụ thể và thời hạn thực hiện các giải pháp, vấn đề còn lại là, các bộ, ngành sẽ thực hiện như thế nào? Trách nhiệm ra sao? Những cơn “sóng ngầm” nguy hiểm đang đe dọa sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS, thậm chí hậu quả khôn lường. Bài học và hậu quả từ cuộc khủng hoảng thị trường BĐS cách đây hơn 10 năm vẫn còn đó.