Vài năm gần đây, hoạt động tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp trên cả nước. Các nhóm tội phạm cho vay nặng lãi đã giăng bẫy người vay bằng cách phát tán tờ rơi, quảng cáo trên mạng và gọi điện thoại chào mời cho vay không tín chấp, nhận tiền ngay, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Nhiều người đang cần tiền đã bị sập bẫy, phải thế chấp bản chính hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy tờ xe để được vay với số tiền từ 1 - 10 triệu đồng, lãi suất 10% - 15%, khi nhận tiền liền bị trừ lại phần lãi 1 tháng, còn lại chia đều trả góp mỗi ngày. Phải gánh mức lãi suất cao ngất, người vay khó trả nổi, lâm vào cảnh cùng khốn vì lãi mẹ đẻ lãi con thành số nợ chồng chất.
Khi người vay không có tiền để trả góp hàng ngày, liền bị đòi nợ kiểu xã hội đen: khủng bố tinh thần, chửi bới, đe dọa, đánh đập, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc, buộc bán giá rẻ mạt nhà cửa, đất đai để xóa nợ. Tại TPHCM, công an đã phát hiện bắt giữ những băng nhóm tín dụng đen tập hợp cả chục tên có tiền án tiền sự, thậm chí có kẻ còn trang bị cả súng ngắn để thu nợ cho vay bằng các hành vi thô bỉ, côn đồ. Một số công ty đòi nợ thuê được thành lập hợp pháp cũng núp bóng doanh nghiệp để bảo kê, đòi nợ thuê bằng những thủ đoạn đê hèn như ném chất bẩn vào nhà con nợ, gọi điện liên miên để chửi bới, đe dọa con nợ và người thân của họ.
Việc các tổ chức tín dụng đen vẫn tồn tại, hoạt động ngoài vòng kiểm soát của pháp luật trên quy mô cả nước thực sự là ung nhọt của xã hội. Vậy mà vì sao các nhóm tín dụng đen vẫn hoạt động công khai, ngày càng rầm rộ, lộng hành, liên tục đẩy nhiều người dân, nhiều gia đình vào cảnh khốn đốn? Nguyên do trước hết là vì vẫn có nhiều người chấp nhận vay trả lãi với lãi suất “cắt cổ” dù được thông tin, khuyến cáo về những hệ lụy khi vay tiền các tổ chức tín dụng đen. Thực tế khi lâm vào tình cảnh khó khăn về kinh tế đến mức bức bách (như cần tiền chữa bệnh nan y cho người thân, lo việc cưới, việc tang...), dân nghèo thành thị làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, không có mục đích vay vốn chính đáng, hoặc nông dân nghèo ít giao tiếp, thiếu hiểu biết hồ sơ, thủ tục, rất khó vay được vốn tín dụng, và cũng khó vay được từ những người quen biết. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng đen ngang nhiên phát, dán tờ rơi quảng cáo, chiêu dụ người dân vay tiền, nên nhiều người nghèo đành liều nhắm mắt đưa chân vay tín dụng đen.
Việc căn cứ vào các số điện thoại quảng cáo để liên hệ, rồi kiểm tra, xử phạt các tổ chức tín dụng đen về hành vi quảng cáo trái phép đâu phải là khó, nhưng các ngành, cơ quan chức năng liên quan cứ thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm. Lâu nay, việc xử lý pháp luật các tổ chức và cá nhân về hành vi cho vay nặng lãi có vướng mắc vì theo quy định, để xử lý hình sự thì phải xác định được đối tượng cho vay với mức lãi suất cao gấp 10 lần lãi suất nhà nước quy định, cụ thể, lãi suất cao nhất là 20%/năm, tương đương 1,7%/tháng và chứng minh được có tính chất bóc lột trong cho vay. Các chủ nợ tín dụng đen lách luật bằng cách ghi giấy nợ không rõ ràng, lấy lãi theo ngày nên rất khó xác định dấu hiệu vi phạm. Sự việc khó xử lý vì hợp đồng này là dân sự.
Song, cái gốc của vấn đề là tín dụng đen sẽ hết đất sống nếu các ngân hàng quan tâm giúp người dân nghèo có thể vay tiền trong lúc túng quẫn. Thực ra việc này không đơn giản. Ngay những người thân quen của những người rất nghèo cũng e dè việc cho họ vay tiền, vì thấy khó thu hồi được vốn, do đó không thể đòi hỏi các ngân hàng cho vay đối với những trường hợp có nhiều rủi ro. Tuy vậy, thay vì chỉ chăm chăm cho vay đầu tư lớn, các tổ chức tín dụng nên mở rộng cửa, đơn giản thủ tục để người nghèo vay vốn ngân hàng chính sách, trên cơ sở xét mục đích vay vốn và phương án tài chính, khả năng trả nợ. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thương mại không bao quát hết khu vực nông thôn, cần chú trọng phát triển hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung cấp các khoản vay nhỏ ở nông thôn.
Đầu năm 2017, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng, đề cập đến tình trạng tín dụng đen phát triển mạnh ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc tăng cường giáo dục về kiến thức tài chính tín dụng cho người dân là vấn đề cấp thiết để người dân cảnh giác với tín dụng đen. Thủ tướng đề nghị đánh giá lại hiệu quả của tín dụng chính sách và đổi mới cơ chế triển khai, hạn chế xin - cho, gia tăng sự tham gia của nhiều ngân hàng theo cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch. Rất cần các động thái đó, vì thực tế tín dụng chính thức ở nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng của người dân. Rất cần có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phát triển để thu hẹp thị trường tín dụng phi chính thức là tín dụng đen, cầm đồ lãi suất cao. Cần rà soát lại các văn bản pháp quy và các quy trình vay tín dụng tiêu dùng, để làm sao tạo thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận được tới nguồn vốn này.