Đến năm 2015, mọi hàng rào thuế quan giữa các nước ASEAN được xóa bỏ. Tuy nhiên, thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước hiện còn quá thiếu và yếu đang tạo ra rào cản lớn cho việc hội nhập phát triển kinh tế cũng như đánh mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư.
- Trên 80% nguyên liệu nhập khẩu
Sau hàng chục năm đẩy mạnh công nghiệp hóa để phát triển, tạo tiền đề rút ngắn khoảng cách với các nước, đến nay nhìn lại ngành CNHT-lĩnh vực xương sống thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tạo ra giá trị thặng dư cao, đang ngày càng… giật lùi. Những nguyên liệu đơn giản như cây kim, sợi chỉ đến cái ốc vít… cũng phải nhập khẩu đã kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế và chảy máu ngoại tệ với hàng chục tỷ USD mỗi năm. Mặt khác, nền công nghiệp trong nước đang đối mặt với tình trạng doanh nghiệp (DN) lắp ráp rời bỏ Việt Nam để đến với các quốc gia khác trong khu vực hoặc các nhà lắp ráp sẽ nhập toàn bộ linh phụ kiện từ nước khác vào Việt Nam.
Theo ước tính của Bộ Công thương, ngành CNHT hiện lệ thuộc đến 80% vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu. Đơn cử, năm 2010 ngành điện tử Việt Nam xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, nhưng nhập khẩu trên 4,6 tỷ USD. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2011 của ngành dệt may đạt 6,16 tỷ USD nhưng đã phải nhập tới 5,76 tỷ USD nguyên phụ liệu. Do đó, giá trị gia tăng tạo được chưa đầy 500 triệu USD. Với công nghiệp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa cũng rất thấp, chỉ 5%-10%. Đáng chú ý, con số nhập khẩu CNHT từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể, năm 2010 nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc lên đến 12,7 tỷ USD, nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất chiếm 55-60%, còn nhóm máy móc thiết bị chiếm 22-25%.
Trên thực tế, đến thời điểm hiện nay, ngành CNHT trong nước mới chỉ sản xuất được các sản phẩm nội địa đơn giản như: dây điện, khung ghế ngồi, bàn đạp chân ga, chân phanh trong ngành sản xuất ô tô; còn lại các sản phẩm từ bạt, da, mút để làm ghế cho đến cả ốc vít... đều phải nhập khẩu.
- Tạo chữ “tín”
Bộ ba triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (Manufacturing Expo 2011); Sản phẩm CNHT Việt Nam 2011 (ICS Vietnam); CNHT Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4 (SI Exhibition) vừa được tổ chức đồng thời tại Hà Nội. Triển lãm được một nhà đồng tổ chức đánh giá là “mảnh ghép quan trọng trong bức tranh của một ngành chế tạo phụ tùng sôi động và khỏe mạnh, sẵn sàng thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam và nền kinh tế tiến lên phía trước”.
Công bằng mà nói, đây có thể coi là một cơ hội lớn cho các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT của Việt Nam để gặp gỡ, giao lưu, kết nối kinh doanh và đầu tư; bởi triển lãm có sự góp mặt của hơn 200 công ty từ 20 quốc gia. Nhưng nếu nhìn thẳng vào sự thật, còn lâu ngành CNHT của Việt Nam mới thực sự “sôi động và khỏe mạnh”. “Bất chấp những nỗ lực xây dựng các ngành CNHT suốt hàng thập kỷ, cho tới nay, bao bì carton, vỏ nhựa gần như là loại sản phẩm duy nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể đóng góp cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam!”. Đó là nhận xét của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Số liệu từ cuộc khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng cho thấy tỷ lệ phần trăm các phụ tùng mua tại Việt Nam thấp hơn so với bất kỳ nước nào khác trong ASEAN. Các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam phải nhập khẩu những phụ tùng cần thiết từ các nước khác như Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc. Hệ quả tất yếu là giá thành sản phẩm tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu, giảm lợi nhuận thương mại của Việt Nam.
Một cố vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định, thiếu công nghiệp phụ trợ, “nền công nghiệp hoàn toàn không được nuôi dưỡng ở Việt Nam. Các nhà sản xuất tại Việt Nam gặp khó khăn rất lớn trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm với mức giá cạnh tranh”. Đặc biệt, vào năm 2015, khi hoàn toàn gỡ bỏ rào cản thuế quan với các nước ASEAN, thì thay vì mở các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn các nước khác và Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ hàng nhập khẩu thuần túy.
Trên thực tế, nhiều năm qua, Việt Nam cũng đã tìm nhiều cách để phát triển CNHT. Chiến lược phát triển CNHT đã có. Thông tư quy định về cơ chế ưu đãi cho các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT cũng đã được ban hành hồi đầu năm nay. Nhưng dường như những chính sách đã có vẫn chưa đủ để có một ngành CNHT phát triển.
Cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba từng nhắc đi nhắc lại khi trao đổi với giới truyền thông rằng, tư duy và nhận thức của các DN trong nước cần phải có bước chuyển mạnh mẽ, nhằm đảm bảo 2 yêu cầu then chốt: chất lượng đồng đều của sản phẩm và thời hạn giao hàng. Hai yếu tố này tạo nên chữ “tín” vàng – tài sản vô giá của DN. Có đối tác, có đầu ra, DN Việt Nam không lo gì thiếu vốn, thiếu công nghệ và nguồn nhân lực!
LẠC PHONG – ANH THƯ
Thủ tướng vừa có Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành CNHT. Theo đó, các ngành cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt-may, da giày và công nghiệp công nghệ cao sẽ được khuyến khích phát triển. Các sản phẩm được ưu tiên phát triển sẽ được xem xét áp dụng cơ chế ưu đãi. Chủ đầu tư xây dựng dự án theo quy định hiện hành, trong đó đề xuất cụ thể các cơ chế ưu đãi thích hợp, trình Hội đồng thẩm định dự án phát triển CNHT xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định.