Ngành công thương TPHCM tăng trưởng trong khó khăn

Dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, song trong 4 tháng đầu năm 2013, ngành công thương TPHCM vẫn duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Các tồn tại về chính sách vốn, thuế, hỗ trợ thị trường... nếu sớm được tháo gỡ sẽ giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.
Ngành công thương TPHCM tăng trưởng trong khó khăn

Dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, song trong 4 tháng đầu năm 2013, ngành công thương TPHCM vẫn duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Các tồn tại về chính sách vốn, thuế, hỗ trợ thị trường... nếu sớm được tháo gỡ sẽ giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Duy trì tăng trưởng

Số liệu tổng hợp mới nhất từ Sở Công thương TPHCM cho thấy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 4 ước tính tăng 6,1% so với tháng 3 và tăng 6,8% so tháng 4-2012; tính chung trong 4 tháng qua tăng 4% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng 3,9% của 4 tháng cùng kỳ năm 2012. Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 90,9% so cùng kỳ, công nghiệp chế biến tăng 3,8%... Có 21/26 ngành (cấp 2) tăng, trong đó một số ngành có tỷ trọng cao như chế biến thực phẩm, đồ uống, trang phục, da giày, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản phẩm plastic có mức tăng cao hơn mức tăng chung toàn ngành. Có 5 ngành giảm là khai khoáng khác, thuốc lá, sản phẩm điện tử, ô tô và sản phẩm công nghiệp khác. Chỉ số tồn kho toàn ngành tại thời điểm 1-4 tăng 7,3% so thời điểm 1-3, trong đó tồn kho tăng có 7 ngành (cấp 2) với mức tăng khá cao như: đồ uống, hóa chất, sản phẩm từ kim loại, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị và sản phẩm công nghiệp khác. Trong khi đó, theo Cục Thống kê TPHCM, trong tháng 3 có 1.484 DN ngừng kinh doanh, tăng 56% so với tháng 2. Còn tính chung 3 tháng đầu năm có 4.982 DN ngừng hoạt động, tương ứng 63,8% số DN tăng trong kỳ, nhiều nhất ở lĩnh vực DN cổ phần, tiếp đó là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Riêng DN tư nhân có số ngừng hoạt động cao hơn số tăng trong kỳ 5,2%. Đây được xem là số DN ngừng hoạt động và dẫn đến nguy cơ phá sản cao nhất cả nước trong quý 1, chiếm gần 40%. Đối với số DN thành lập mới chủ yếu ở khu vực dịch vụ, còn DN thành lập mới ở khu vực công nghiệp - xây dựng lại giảm so với cùng kỳ.

Sản xuất tivi LCD tại Công ty cổ phần điện tử Tân Bình. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Sản xuất tivi LCD tại Công ty cổ phần điện tử Tân Bình. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Trên thực tế, những tháng đầu năm nay, nhiều DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TPHCM vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn do tình trạng thiếu vốn, lượng hàng tồn kho nhiều, chi phí đầu vào tăng cao. Để đối phó với tình trạng khó khăn, nhiều DN đã tính đến cắt giảm sản lượng, nhân công, không mở rộng sản xuất và bán hàng ở mức cân bằng. Bên cạnh đó cũng giảm các khâu trung gian, không thực sự cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Nguyễn Sinh, chuyên cung ứng nguyên phụ liệu ngành cơ khí, cho biết, DN đã liên tục điều chỉnh giảm giá bán để kích thích sức mua, song đầu ra càng lúc càng suy giảm. “Do không bán được hàng nên hiện nay chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng, gia công những đơn hàng khách quen. Chúng tôi dự kiến, nếu sức mua tiếp tục sụt giảm, công ty phải ngừng hoạt động, chỉ giữ lại một vài công nhân gia công cho bạn hàng cũ”, ông Sinh cho biết. Hầu hết DN đều cho rằng, sức mua hiện nay quá chậm, giá đơn hàng không tăng so với chi phí đầu vào tăng khá cao khiến việc sản xuất kinh doanh khó khăn. Do đó, nhiều DN chỉ tập trung vào sản xuất những sản phẩm có thương hiệu, đồng thời cắt giảm mọi chi phí không cần thiết và nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó là việc nỗ lực tìm ra những thị phần phù hợp với dòng sản phẩm của mình.

Thông thoáng các chính sách

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai cho biết, nhìn chung tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1 trên địa bàn TPHCM có dấu hiệu khởi sắc, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế khiến DN chưa thể phát huy hết nội lực. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh. Hiện nay, chỉ có 30% các DN vừa và nhỏ tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác với mức lãi suất cao. Từ đó, dẫn đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng cũng bị sụt giảm, tăng trưởng tín dụng thấp, gặp khó khăn trong thu nợ (gốc và lãi). Nợ xấu có xu hướng tăng cao. Đáng lưu ý là hiện nay rất ít DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, đáp ứng được điều kiện không được nợ thuế quá hạn, không nợ lãi suất quá hạn để được vay vốn. Bên cạnh đó, đến thời điểm này hầu hết giá nguyên liệu đầu vào của các ngành đều tăng, trong khi giá bán sản phẩm không tăng. Đối với ngành có tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu, phụ kiện nhập khẩu như: sản xuất dây và cáp điện, điện tử… bị ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Chưa kể, từ đầu năm đến nay sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, nhiều DN phải chủ động thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng khiến hàng tồn kho trong một số ngành hàng tăng cao như vật liệu xây dựng, nông sản…

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay vẫn là tình trạng thiếu vốn. Lãi suất ngân hàng tuy đã có chiều hướng hạ, nhưng vẫn ở mức cao, yêu cầu bên vay phải có tài sản thế chấp, mà không phải DN nào cũng đáp ứng được, nhất là DN vừa và nhỏ.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng, đến nay hầu hết các thị trường truyền thống của Việt Nam đều bị thu hẹp, kim ngạch xuất khẩu giảm. Các thị trường mới thiếu tính ổn định, chủ yếu hợp đồng ngắn hạn theo thời vụ dẫn đến không thể giải thoát được nguồn hàng tồn kho của DN trong nước lâu nay. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là bài toán chính sách, Nhà nước nên tạo những điều kiện thông thoáng nhất cho DN hoạt động. Giảm bớt các quy định, giấy phép can thiệp hành chính vào thị trường. Song song với việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay và nới lỏng các điều kiện vay, đặc biệt là nguồn tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ. Các ngân hàng thực hiện việc khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay để DN duy trì hoạt động và trả nợ thay vì bị phá sản.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục