Ngày 18-4, tại tỉnh Bình Phước, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ lần thứ 14 năm 2013. Tính đến cuối năm 2012 có khoảng 101.428 doanh nghiệp nhỏ và vừa (giảm 62.234 doanh nghiệp, bằng 61,94% so với năm 2011) đang hoạt động tại vùng Đông Nam bộ, giải quyết việc làm cho khoảng 2.082.429 lao động (bằng khoảng 62% so với năm 2011).
Tình hình đầu tư cụm công nghiệp đến cuối năm 2012 nhìn chung khá chậm, một phần do bị ảnh hưởng chung của nền kinh tế trong nước và thế giới cũng như tình hình tài chính khó khăn của chủ đầu tư. Tổng số cụm công nghiệp theo quy hoạch trong vùng là 190 cụm, với tổng diện tích quy hoạch là 9.425,6 ha.
Trong 3 tháng đầu năm 2013, hoạt động thương mại tương đối ổn định. Các doanh nghiệp tăng cường thực hiện khuyến mại. Chương trình bình ổn thị trường nên không có tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến xảy ra. Các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ phát triển ngày càng đa dạng. Thời gian tới, ngành công thương trong vùng tiếp tục triển khai các biện pháp để đẩy mạnh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án trong phạm vi quản lý.
Ngành cần tích cực hướng dẫn hoàn tất hồ sơ thủ tục cho nhà thầu, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư. Ngành công thương tăng cường các hoạt động với doanh nghiệp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước theo hướng chủ động tích cực, bảo đảm hiệu quả, giúp doanh nghiệp phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, giải phóng hàng tồn kho.
* Năm 2013 đã qua 3 tháng, nhưng kinh tế Việt Nam hầu như chưa được cải thiện, thậm chí nhiều mặt còn trở nên gay gắt hơn. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế chậm và chưa hiệu quả. Một số chính sách đã gây ra những bất ổn tiềm tàng. Số doanh nghiệp (DN) đóng cửa quá nhiều và còn tiếp tục gia tăng. Niềm tin của người dân vào các chính sách vĩ mô ngày càng giảm… Trong bối cảnh chung đó, DN phải làm gì để thích ứng với điều kiện hiện tại? Đây là những vấn đề nóng bỏng được phân tích, mổ xẻ tại Diễn đàn kinh doanh thường niên 2013 “Đổi mới để tồn tại và phát triển” do Báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức ngày 18-4, tại TPHCM.
Trước tình thế này, tự thân mỗi DN phải chòi đạp, phải dựa vào sức mình là chính mới có thể thoát ra ngoài khó khăn. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long, cho rằng, hoạt động của Minh Long dựa vào nguồn lực của chính mình, biết đầu tư vào công nghệ bằng chính năng lực và chất xám. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, cho biết, đang cạnh tranh tốt với sản phẩm của nhiều nước bằng chính sức mình và bằng chất lượng, được sản xuất theo công nghệ hiện đại…
NGUYỄN VIỆT - THÚY HẢI