Nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với nguồn cung khí ổn định lâu dài, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt cho nhu cầu phát điện, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN đã chỉ đạo Tổng Công ty Khí VN (PVGas) triển khai thực hiện dự án nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng LNG (Liquefied Natural Gas); Và trong Văn bản số 7112 ngày 12-8-2010, Tập đoàn Dầu khí cũng đã giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty Vận tải Dầu khí-PVTrans làm đầu mối thực hiện công tác vận chuyển LNG. Sự kiện này thể hiện sự nỗ lực lớn lao của ngành dầu khí đối với chương trình đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh nước nhà đang thiếu điện.
LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên được hóa lỏng nhờ làm lạnh sâu đến âm 160oC sau khi đã loại bỏ các tạp chất. LNG có thành phần chủ yếu là methane. LNG chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên thông thường, nhờ vậy nó có thể được vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dụng như tàu, xe bồn… đến những khoảng cách rất xa hoặc đến những nơi có địa hình không phù hợp cho việc xây dựng đường ống dẫn khí. Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí nhờ thiết bị tái hóa khí và có công dụng tương tự như khí khô. Hiện nay ở Việt Nam LNG được sử dụng chủ yếu làm nhiên liệu cho các nhà máy điện và các hộ tiêu thụ công nghiệp.
Theo dự báo cân đối cung cầu khí, từ năm 2010 trở đi thị trường khí Việt Nam sẽ nằm trong tình trạng cung thấp hơn cầu. Do đó, PVGas hiện đang triển khai 2 dự án về khí thiên nhiên hóa lỏng LNG. Dự án thứ nhất là dự án LNG quy mô nhỏ (SSL), dự án này sẽ được PVGas sử dụng nguồn khí thiên nhiên để sản xuất LNG, sau đó vận chuyển bằng xe bồn, tàu đến các hộ tiêu thụ công nghiệp để tái hóa khí và sử dụng. Dự án nhằm mục đích thí điểm, giới thiệu cho khách hàng tiếp cận làm quen với sản phẩm mới LNG. Công suất của dự án là 50 triệu m3/năm. Dự án thứ 2 là dự án nhập khẩu LNG bằng tàu (FSRU), dự án này sẽ xây dựng một cảng tiếp nhận tàu chở LNG lạnh tại khu vực tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với công suất ban đầu khoảng 1-1,5 triệu tấn/năm tương đương 1,5-2,5 tỷ m3 khí/năm. Dự kiến cuối năm 2013, cả 2 dự án nêu trên sẽ đi vào hoạt động.
Lãnh đạo PVGas cho biết, đối tượng khách hàng của LNG là các hộ công nghiệp và các nhà máy điện đang sử dụng dầu làm nhiên liệu. Mặc dù vậy, các nghiên cứu khảo sát của PVGas vẫn cho thấy ngay tại thời điểm hiện tại vẫn có những cơ hội dành cho khí LNG nhập khẩu tại thị trường khu vực, với điều kiện giá khí đến tay khách hàng cạnh tranh được với các nhiên liệu truyền thống như DO, FO, LPG, xăng (theo khảo sát của PVGas cũng như theo kinh nghiệm tại Malaysia, giá khí thiên nhiên không vượt quá 85% giá dầu FO thì có nhiều khả năng được thị trường chấp nhận).
Hiện nay, PVGas đã có khách hàng đầu tiên cho dự án LNG đó là Nhà máy điện Hiệp Phước TPHCM. Vào ngày 7-7-2010 vừa qua, PVGas đã ký kết Biên bản Ghi nhớ về việc cung cấp khí LNG cho Công ty Điện lực Hiệp Phước (TPHCM). Biên bản Ghi nhớ này chính sẽ là tiền đề để hai bên đi tới một thỏa thuận mua bán khí dài hạn, theo đó PVGas sẽ cung cấp khí từ nguồn LNG nhập khẩu cho nhà máy điện của Công ty Điện lực Hiệp Phước với khối lượng khoảng 600 triệu m³/năm trong vòng 20 năm. Việc ký Biên bản ghi nhớ này cũng là một tiền đề quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ khí LNG tại VN. Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Zhang Yin Fu - Tổng Giám đốc Công ty Điện lực Hiệp Phước cho biết, hiện nay, với 3 tổ máy cùng làm việc, Nhà máy Điện Hiệp Phước hiện có thể tiếp nhận 2,1 – 2,4 triệu m³ khí/ngày.
Và với công suất ban đầu 375MW, Nhà máy Điện Hiệp Phước đang có kế hoạch mở rộng, tăng công suất phát điện thêm 750MW nên việc đảm bảo nguồn khí ổn định lâu dài cho sản xuất là hết sức cần thiết. Còn ông Bùi Minh Tiến - Phó Tổng Giám đốc PVGas thì cho rằng, việc ký kết này là một bước tiến quan trọng của PVGas nhằm phát triển thị trường khí thiên nhiên sạch, phục vụ nhu cầu phát triển của TPHCM, góp phần tăng trưởng nguồn điện năng nói riêng và công tác đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung. Với Biên bản ghi nhớ này, Nhà máy Điện Hiệp Phước được định hướng trở thành một trong những khách hàng đầu tiên được phục vụ khí tự nhiên từ nguồn LNG nhập khẩu để phát điện, mở ra một triển vọng mới không chỉ cho hai đối tác, mà còn đối với cả các khách hàng tương lai cũng như sự phát triển của ngành công nghiệp khí VN.
Cũng theo ông Bùi Minh Tiến, thời gian qua, PVGas đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm gia tăng sản lượng khí, ưu tiên cung cấp khí để sản xuất điện, phân đạm và phục vụ các hộ sản xuất công nghiệp quan trọng như thép, gốm sứ, các khu công nghiệp... Đặc biệt, trước nhu cầu ngày càng tăng của các hộ tiêu thụ, PVGas hiện đang tích cực triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng và các đàm phán thương mại để có thể nhập khẩu LNG vào năm 2012, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước.
Hiện nay, tiến độ thực hiện kế hoạch của dự án nhập khẩu LNG tiến triển rất tốt. Theo đó, kế hoạch sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 khí LNG sẽ được nhập về thông qua kho nổi chứa và tái hóa khí (FSRU – Floating Storage Regasification Unit) từ 2012 đến 2015 với khối lượng dự kiến tới 1 triệu tấn LNG/tấn. Giai đoạn 2, khí sẽ được nhập thông qua hệ thống kho cảng trên bờ (land based terminal) vào năm 2015 cho hợp đồng nhập khí dài hạn có thể đến 20 năm. Trong giai đoạn này, khối lượng nhập khẩu dự kiến tối thiểu là 1 triệu tấn/năm trong thời gian đầu và sau đó sẽ tăng lên từ 3 đến 6 triệu tấn/năm, tùy thuộc vào sự phát triển của thị trường khí trong nước. Hiện nay, PVGas đang quyết liệt, khẩn trương triển khai dự án Giai đoạn 1 đồng bộ từ khâu tìm kiếm nguồn cung LNG, xây dựng kho cảng và phát triển thị trường tiêu thụ khí LNG nhập khẩu tại VN. Bên cạnh đó, PVGas hiện cũng đang quan tâm và thảo luận việc hợp tác với các đối tác nước ngoài có tiềm lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực LNG để cùng PVGas triển khai dự án, đảm bảo đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Là đơn vị vận tải dầu khí duy nhất của PetroVietnam, PVTrans thông qua công ty thành viên của mình là Công ty Cổ phần Vận tải Sản phẩm khí Quốc tế -Gas Shiping được giao nhiệm vụ phát triển dịch vụ vận tải khí đáp ứng các nhu cầu sử dụng ngày càng cao của nền kinh tế quốc dân. PVTrans là đầu mối chính hợp tác cùng các Tổng công ty trong ngành như PVGas sở hữu và quản lý đội tàu vận chuyển khí hóa lỏng LPG (đang sở hữu 4 và khai thác 5 tàu LPG trọng tải từ 1.600 – 3.000 DWT) và dự kiến phát triển đội tàu lên 10 chiếc vào năm 2013. Bên cạnh đó PVTrans đang cùng Tổng Công ty khí (PVGas), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) chuẩn bị phương án nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ LNG & CNG tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa dầu, công nghiệp hóa chất tại Việt Nam, PVTrans có kế hoạch phát triển và mở rộng đội tàu vận tải hóa chất như Propylen, Amoniac (NH3), VCM, nhựa đường v.v… |
S.NÂU