Đất nước ta có lịch sử gắn liền với nền nông nghiệp lâu đời. Ngày nay cùng với công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn để nâng cao đời sống nông dân cũng là một nhiệm vụ to lớn mà đảng và nhà nước đặt ra cho bộ máy chính quyền cũng như hệ thống các tổ chức kinh tế. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) vốn là tập đoàn kinh tế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp – năng lượng đã nhanh chóng xúc tiến đưa những thành quả trong lĩnh vực của mình vào phục vụ cho nền nông nghiệp của đất nước, đó là sản xuất và cung ứng phân bón, nguồn tư liệu sản xuất thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Nhà máy đạm phú mỹ-biểu tượng của phát huy nội lực
| |
Thực tế cho thấy, với tầm nhìn chiến lược, trong những năm cuối thập niên 90, của thế kỷ trước, để tạo sự chủ động nguồn cung phân bón trong nước, giảm sự phụ thuộc của nền sản xuất nông nghiệp vào nguồn phân đạm nhập khẩu từ nước ngoài, PVN đã quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm cỡ lớn ở trong nước, qua đó, tập đoàn đã đầu tư xây dựng thành công Nhà máy Đạm Phú Mỹ (khánh thành tháng 9-2004), thành công của dự án này đã đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ và của nhân dân đối với nền nông nghiệp nước nhà.
Đây là một công trình đầu tiên của ngành hóa dầu tại Việt Nam và hiện được coi là một biểu tượng của sự phát huy nội lực một cách hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm đưa những thành tựu của nền công nghiệp hiện đại tới người nông dân, tiết kiệm hàng tỷ đô la Mỹ tiền nhập khẩu phân bón cho đất nước.
Qua 6 năm hoạt động, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã được vận hành an toàn với công suất tối đa, đã sản xuất gần 5 triệu tấn phân đạm chất lượng cao, đáp ứng hơn 40% nhu cầu phân đạm trong nước, góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường phân bón, giúp cân đối ngoại tệ xuất - nhập khẩu (không phải sử dụng khoảng 1,3 tỷ USD cho việc nhập khẩu phân bón hàng năm như trước đây).
Ngoài việc đảm bảo cung cấp 40% nhu cầu phân u-rê cho thị trường trong nước, PVFCCo còn tích cực mở rộng kinh doanh các mặt hàng phân bón khác, phù hợp với chiến lược phát triển ngành phân bón và hóa chất của PVN trong thời gian tới.
Có thể nói, việc hình thành và củng cố cơ sở hạ tầng cho ngành dầu khí, những kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng và quản lý điều hành dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã giúp Việt Nam hình thành và phát triển được một nguồn nhân lực vô cùng quan trọng chuẩn bị cho các dự án hóa dầu tiếp theo của PVN.
Chính vì vậy, tiếp theo Nhà máy Đạm Phú Mỹ, PVFCCo hiện đang tích cực chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để tham gia quản lý và vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau. Theo đó, Nhà máy Đạm Cà Mau đã được khởi công xây dựng từ tháng 9-2009 với tổng vốn đầu tư lên đến trên 900 triệu USD. Nhà máy Đạm Cà Mau nằm trong cụm khí-điện-đạm Cà Mau do PVN Nam làm chủ đầu tư và là công trình trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội thông qua.
Với năng lực sản xuất 800 nghìn tấn phân đạm/năm của Nhà máy đạm Cà Mau từ sau năm 2012, cùng với nhà máy Đạm Phú Mỹ và các nhà máy đạm khác, Việt Nam sẽ tự chủ được trong việc cung cấp phân đạm cho nông nghiệp, bình ổn giá phân bón trong nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia.
Tích cực bình ổn thị trường phân bón
Theo Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), Bộ Công thương và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hằng năm nhu cầu u-rê cho vụ đông xuân khoảng 750.000 - 800.000 tấn, tuy nhiên, riêng đối với năm 2010, nhu cầu phân bón cho vụ đông xuân năm nay tăng hơn so với các năm. Đặc biệt là phân u-rê, ước tính riêng ba tháng cuối năm 2010 cần khoảng 635.000 tấn u-rê, tăng thêm khoảng 60.000 tấn so với mọi năm. Tuy nhiên, về nguồn cung, ước tính nguồn cung u-rê tại thời điểm cuối tháng 10-2010 là khoảng 250.000 tấn, trong đó lượng u-rê nhập khẩu đang tồn khoảng 150.000 tấn, tồn kho Nhà máy đạm Phú Mỹ và Nhà máy Đạm Hà Bắc khoảng 100.000 tấn.
Để đáp ứng nhu cầu cho vụ đông xuân, trong hai tháng cuối năm, lượng sản xuất và nhập khẩu phân u-rê cần phải đạt khoảng 400.000 tấn. Dự báo trước tình hình diễn biến phức tạp của vụ đông xuân, PVFCCo đã chủ động theo dõi sát tình hình thị trường phân bón và tình hình mùa vụ; phối hợp, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý của Bộ NN và PTNT, các Sở NN và PTNT tại các địa phương; từ đó chủ động tăng lượng hàng dự trữ, đẩy mạnh sản xuất và nhập khẩu để đáp ứng tối đa nhu cầu cho vụ đông xuân và thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.
Theo đó, PVFCCo bảo đảm nguồn cung từ lượng hàng dự trữ lưu thông, nguồn sản xuất và lượng hàng nhập khẩu. Đối với lượng hàng dự trữ lưu thông, PVFCCo luôn bảo đảm tối thiểu 70.000 tấn phân đạm dự trữ sẵn sàng tại các kho ở khắp các vùng, miền để kịp thời phục vụ cho nhu cầu của thị trường. Đối với sản xuất của Nhà máy đạm Phú Mỹ, PVFCCo đã tích cực duy trì sản xuất ổn định theo công suất thiết kế, đồng thời thực hiện biện pháp tăng năng lực sản xuất thông qua việc đưa vào vận hành hệ thống thu hồi khói thải CO2. Từ công suất thiết kế của nhà máy là 2.200 tấn/ngày, đến ngày 14-9-2010, PVFCCo đã đưa vào hoạt động sớm hơn năm tháng hệ thống thu hồi khói thải CO2, góp phần đưa năng lực sản xuất của nhà máy lên tối đa 2.385 tấn/ngày.
Về sản lượng sản xuất, tính đến ngày 26-10-2010, sản lượng đạm Phú Mỹ đạt 655.654 tấn, thực hiện 88,60% kế hoạch năm. Dự kiến hai tháng cuối năm (tháng 11 và 12), nhà máy sẽ sản xuất thêm 140.715 tấn. Bên cạnh sản lượng đạm Phú Mỹ, PVFCCo cũng tích cực triển khai công tác nhập khẩu phân bón bổ sung cho nguồn cung trong nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường u-rê khi vào cao điểm vụ đông xuân 2010 -2011.
|
Theo đó, đến ngày 26-10-2010, PVFCCo đã nhập khẩu 128.500 tấn phân bón các loại (trong đó u-rê là 110.000 tấn) và trong hai tháng cuối năm 2010, PVFCCo dự kiến nhập khẩu thêm 25.000-30.000 tấn u-rê. Đến nay, tổng nguồn cung u-rê gồm hàng dự trữ, sản xuất và nhập khẩu của PVFCCo cho vụ đông xuân là khoảng hơn 300.000 tấn, đáp ứng gần 50% nhu cầu cả nước.
Cùng với việc bảo đảm nguồn cung cho thị trường, PVFCCo đã và đang tích cực thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường thông qua việc duy trì giá bán ổn định. Năm 2010, giá phân bón, đặc biệt là phân u-rê tại thị trường trong nước và quốc tế có những biến động phức tạp, giá tăng nhanh từ tháng 6-2010 nhất là trong cuối tháng 9 và trong tháng 10.
Tại thị trường thế giới, giá FOB u-rê Nga, Trung Đông vào ngày 3-6-2010 có mức giá 210-218 USD, nhưng đã tăng lên mức 335-340 USD/tấn vào ngày 21-10-2010. Tại thị trường trong nước, giá u-rê Trung Quốc, cụ thể là khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng đáng kể, từ mức giá 6.200 đồng/kg vào ngày 3-6-2010 hiện nay đã tăng lên 7.400-7.500 đồng/kg. Mặc dù giá thế giới và giá tại thị trường trong nước biến động tăng liên tục như vậy, nhưng từ đầu năm đến nay, giá bán của đạm Phú Mỹ luôn giữ ổn định, mức giá bán bình quân là 5.780 đồng/kg (giá chưa VAT) và vào thời điểm hiện tại, giá trần của đạm Phú Mỹ duy trì ở mức 6.800 đồng/kg.
Nguyễn Thu Tuyết