Ngành dệt may: Kiếm đơn hàng từng tháng

Thiếu đơn hàng
Ngành dệt may: Kiếm đơn hàng từng tháng

Xuất khẩu (XK) dệt may năm 2011 đã có bước đột phá vượt bậc, đạt mức tăng trưởng cao 38%. Sang năm 2012, dù đã có dự báo trước khó khăn nhưng XK dệt may đang gặp nhiều trở ngại, khi đơn hàng ngày một giảm sút, tăng trưởng XK từ tháng 3 đến nay liên tục sụt giảm xuống còn 1 con số. Và đáy của việc đơn hàng giảm có thể kéo dài đến cuối năm.

Sản xuất quần jean xuất khẩu sang Mỹ tại Xí nghiệp may Tân Phú, Công ty Dệt may Gia Định.

Sản xuất quần jean xuất khẩu sang Mỹ tại Xí nghiệp may Tân Phú, Công ty Dệt may Gia Định.

Thiếu đơn hàng

Dệt may vẫn là ngành hàng XK dẫn đầu của Việt Nam (VN), trung bình đạt kim ngạch XK hơn 1 tỷ USD trong mỗi tháng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng XK của dệt may đang giảm dần. Trong tháng 3-2012, dệt may XK đạt tăng trưởng 15,4% so với năm 2011, sang tháng 4-2012 giảm còn 14,7% và tháng 5-2012 chỉ còn 7,7%, đạt 5,3 tỷ USD. Ngoại trừ kim ngạch XK của tháng 1-2012, giảm 22,6% do ảnh hưởng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, XK dệt may đạt được trong tháng 5-2012 có mức tăng trưởng thấp nhất, ở mức 1 con số. Và với tình hình sản xuất hiện nay, XK dệt may đang gặp nhiều trở ngại, nguy cơ kim ngạch XK sẽ tiếp tục giảm sút trong những tháng tới.

Theo các doanh nghiệp (DN) dệt may tại TPHCM, đơn hàng sản xuất, XK đi các thị trường lớn Mỹ, EU, Nhật Bản hiện nay đều giảm. Đơn hàng giảm 20% đến 30% so với cùng kỳ năm 2011, DN rơi vào thế bị động trong kế hoạch sản xuất. Đang ở thời điểm tháng 6, nhưng DN chỉ mới có hàng sản xuất cho tháng 7, tháng 8. DN chỉ kiếm được đơn hàng gối đầu trước 1 - 2 tháng. Không chỉ có DN nhỏ và vừa gặp khó khăn về đơn hàng, ngay cả những DN lớn chưa từng biết thiếu đơn hàng là gì cũng vất vả cho kế hoạch sản xuất. Giám đốc một công ty may mặc lớn, XK 100% tại TPHCM cho biết, hiện tại, đơn hàng sản xuất trong tháng 7, tháng 8 còn thiếu, DN phải xoay trở để bù đắp lượng hàng thiếu hụt. Vì nếu không đạt được kế hoạch sản xuất thì đời sống của gần 3.000 lao động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Hy vọng vào quý 4-2012

Cái khó của ngành dệt may cũng là khó chung của nền kinh tế. Trong khi DN gặp nhiều bất lợi cho đầu vào, đơn hàng ít, năng suất giảm, ảnh hưởng của tỷ giá giữa VNĐ-USD… thì đầu ra không đủ để bù đắp. Trước khó khăn này, các nhà nhập khẩu lại ép giảm giá bán. Điệp khúc “ép giá” được lặp đi lặp lại mỗi khi DN gặp khó khăn, đến nỗi nhiều DN không muốn nói khó để tránh việc bị ép giá! Một số DN chấp nhận cả việc chịu lỗ, giá nào cũng nhận để giữ lao động, nhất là ở một số DN cần lao động có tay nghề như wash quần áo. Vì nếu ngưng sản xuất cũng đồng nghĩa với việc DN mất lao động.

May quần jeans xuất khẩu tại Xí nghiệp may Tân Phú.

May quần jeans xuất khẩu tại Xí nghiệp may Tân Phú.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhận xét, những đơn hàng sản xuất trước đây còn tồn kho lớn nên các nhà nhập khẩu đã giảm hoặc ngưng đơn hàng sản xuất mới để chờ bán hết hàng. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc DN dệt may thiếu đơn hàng XK trong thời gian gần đây.

Theo ghi nhận của Vitas, tình hình sản xuất, XK của dệt may trong vài tháng tới cũng còn khó khăn. Tuy nhiên, nhiều khả năng đáy của việc thiếu đơn hàng sẽ kết thúc vào cuối quý 3-2012, tình hình sản xuất, XK sẽ phục hồi trở lại từ quý 4-2012. Thực tế hiện nay, nhu cầu về hàng may mặc trên thị trường thế giới vẫn có, để chuẩn bị cho mùa mua sắm, nghỉ lễ cuối năm, chắc chắn tiêu thụ hàng may mặc tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ được kích thích, tăng cường thêm lượng hàng cho người dân mua sắm. Vì vậy, đơn hàng sản xuất cho mùa đông xuân sẽ có nhiều hơn trong những tháng tới. 

Trước những diễn biến tích cực của XK dệt may trong những tháng đầu năm, tại một cuộc hội thảo mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã đưa ra dự báo, dù khó khăn nhưng XK dệt may vẫn có nhiều triển vọng trong XK năm 2012. Dự kiến, tăng trưởng XK dệt may trong năm 2012 sẽ đạt 25%, với kim ngạch 19,5 tỷ USD. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, dệt may khó đạt được điều đó.

Trong tình hình khó khăn hiện nay, khi hàng loạt DN dệt may đóng cửa, ngừng sản xuất thì tình trạng lo thiếu lao động vẫn diễn ra. Nhiều DN dệt may than thở, việc chọn “sinh con năm rồng” đã và đang có tác động lớn đến năng suất lao động. Lao động nữ trong ngành may hiện chiếm khoảng 75%. Tại một xí nghiệp có 6 tổ, mỗi tổ khoảng 50 người nhưng số lượng lao động nữ vừa sinh, đang nghỉ sinh và sẽ sinh chiếm đến 1 tổ! DN không sợ thiếu người nhưng lo năng suất sẽ giảm, vì đào tạo một lao động có tay nghề không dễ. Khi đơn hàng không phong phú thì những đơn hàng nhận được cũng không phải dễ nuốt, thường sẽ là đơn hàng có số lượng nhỏ, may khó, chắc chắn năng suất sẽ giảm.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục