Sau sự kiện Flappy Bird, làng game di động (Game mobile - GM) Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) lớn và cả nhà mạng di động cùng nhập cuộc đã đẩy ngành GM tại Việt Nam lên đến đỉnh điểm, đạt doanh thu hơn 2 triệu USD/tháng, tương đương khoảng 500 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, giữa việc tự sản xuất game đến đạt doanh thu “khủng” là cả một chặng đường dài, nhất là khi ngành game Việt Nam vẫn đang lò dò tìm hướng đi.
Game mobile Việt tự khẳng định
Tại Việt Nam, GM được biết đến với những tựa game “offline mini” cài sẵn trên điện thoại di động đời cũ. Đến khi, Smartphone chạy iOS và Android phổ biến trên thị trường, ngành GM trong nước mới có cơ hội bứt phá. Đầu năm 2014, Flappy Bird và lập trình viên trẻ Nguyễn Hà Đông đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của truyền thông cả trong nước và quốc tế. Doanh thu 1 tỷ đồng/ngày thực sự là con số khủng trong thời điểm GM Việt Nam chỉ gồm những ứng dụng giải trí “làng nhàng”. Còn doanh thu của các DN làm game chỉ đến từ hoạt động gia công phần mềm hoặc nhập khẩu, phát hành game. Sau Flappy Bird, cộng đồng làm game thế giới bắt đầu có cái nhìn khác về các GM do chính người Việt sản xuất.
Một tựa game khác của Việt Nam là School Cheater cũng tiếp tục gây tiếng vang lớn khi lọt vào top 11 game xuất sắc tại cuộc thi Giải vô địch phát triển game thế giới 2013 (Game Development World Championship). Gần đây nhất là Kungfu Master, một trò chơi di động thuộc thể loại hành động được phát triển bởi nhóm phát triển trẻ có tên Tofu Game Studio (TPHCM). Theo đánh giá, Kungfu Master có nét đồ họa khá đơn giản không tô điểm, nếu không muốn gọi là “xấu xí”. Tuy nhiên, trò chơi được quan tâm nhiều vào những ngày qua. Tính đến nay, trên kho ứng dụng Google play, trò chơi đã có hơn 1 triệu lượt tải và gần 30.000 lượt bình chọn đánh giá 5 sao.
Nắm bắt cơ hội, các DN lớn cũng nhảy vào thị trường này như VNG, VTC, SohaGame, MEcorp, MVcorp, Gameloft VN… Thậm chí cả nhà mạng Mobifone với một số game trên mạng xã hội Zoota. SohaGame ra mắt loạt các sản phẩm mới như iGà, Tình Kiếm, Beat 3D, Đại minh chủ... Trong khi đó, hai “ông lớn” khác vốn xuất phát điểm là những nhà phát hành game như VNG và Garena cũng đầu tư nhân lực để nhảy vào cuộc chiến GM. Trong đó, VNG hiện có đến 5 studio với gần 300 nhà phát triển GM tại cả hai miền Nam, Bắc.
Thách thức từ thị trường nội địa
Những thành công bước đầu của GM Việt trên thị trường quốc tế đã chứng tỏ trình độ làm game của Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, không nhiều người vội nghĩ đến chuyện GM thuần Việt vươn mình ra thế giới. Bởi rất nhiều dự án game được đầu tư nhiều công sức, tiền bạc vẫn “chết” trước khi ra mắt. Dự án Sát Thát truyền kỳ của Studio game Emobi đã phải dừng cuộc chơi nửa chừng bởi không đủ nguồn lực tài chính. Trước đó, tựa game 7554 từng được kỳ vọng tạo nên tiếng vang tại thị trường trong nước nhờ tái hiện lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tuy vậy, tổng doanh thu của 7554 tính đến thời điểm này chỉ đạt 1 tỷ đồng, trong khi chi phí sản xuất lên đến 17 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành ZoyGame, cho rằng số đơn vị dũng cảm tự bỏ tiền ra sản xuất game thuần Việt hiện nay không hiếm. Nhưng hầu hết đang phải tồn tại bằng những dự án ngắn hạn hoặc gia công game cho các hãng nước ngoài. Nguyên nhân đầu tiên vẫn xuất phát từ kinh nghiệm. Rõ ràng, các nhà làm game Việt chưa thể sánh với những tên tuổi lớn của Hàn Quốc, Trung Quốc cả về kỹ năng lẫn kinh nghiệm. Những DN lớn như VTC, VNG là không nhiều trong khi các đơn vị phát triển game ở Việt Nam hiện nay đều nằm ở quy mô vừa và nhỏ. Rất ít studio có đủ lực và sự mạo hiểm để đầu tư hàng chục tỷ đồng vào làm game. Không khó hiểu khi hơn 90% trò chơi trực tuyến đang được phát hành tại Việt Nam đều nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nắm bắt cơ hội bằng cách nào?
Không thể phủ nhận, GM là một trong những công việc hái ra tiền nếu người làm game gặp “thời vận”, giống như những gì Flappy Bird đã từng có. Bởi thế, những khó khăn trên “sân nhà” có thể khỏa lấp nếu có lựa chọn cách đi phù hợp.
Ông Đạt Nguyễn, Giám đốc kinh doanh game di động của Google, cho biết lợi thế của Việt Nam chính là thị trường di động đang tăng trưởng chóng mặt trong thời gian gần đây, chỉ xếp thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng các thiết bị di động, đạt 269% với 17 triệu thiết bị. Cùng với với đó, các kho ứng dụng App Store của Apple, Google play của Google, Ovi Store của Nokia, hay App World của Blackberry… xuất hiện đã tạo cơ hội cho các bạn trẻ làm game.
Tuy nhiên, muốn ngành công nghiệp game bền vững, vai trò sản xuất và phát hành game nội địa vẫn chiếm vị trí quan trọng. Đáng tiếc, các chính sách quản lý vẫn chưa tạo cơ hội cho GM bứt phá. Theo đại diện các DN làm game, ở nước ngoài, các DN tự chủ động sản xuất và phát hành game, chính phủ chỉ lo khâu hậu kiểm và cấp phép một lần cho DN làm game. Vòng đời một game mobile chỉ từ 3 đến 6 tháng, sau 1 năm biến mất. Thế nên, với thời gian cấp phép từ 1 - 2 tháng như hiện nay, game Việt chưa kịp ra, game ngoại đã chiếm lĩnh thị trường.
Một khó khăn khác mà ngành game Việt gặp phải, đó là sự gắn kết giữa người đề ra ý tưởng, người gia công và nhà phát hành. Theo ông Nguyễn Khánh Trung, Giám đốc Game Studio North của VNG, đã đến lúc ngành game phải biết bắt tay hợp tác với nhau, giống như Apple, Google hay các cổng game ở Trung Quốc, họ cũng chỉ tạo ra một chợ ứng dụng và phân phối. Các nhà phát hành giữ vai trò nghiên cứu thị trường, phát hành sản phẩm và hỗ trợ định hướng cho studio về xu hướng các dòng sản phẩm, xu hướng khách hàng. Việc còn lại các đơn vị làm game sẽ phát triển sản phẩm cho phù hợp. Có như vậy, về lâu dài, ngành game mới thành công bền vững.
TƯỜNG HÂN