Ngành Hàng không Việt Nam đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng

Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng thị trường hàng không Việt Nam trong những năm qua vẫn đạt được những bước tiến rất đáng khích lệ với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%. Tiếp tục thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp ngành hàng không đã và đang tích cực đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và xu hướng hội nhập toàn cầu.
Ngành Hàng không Việt Nam đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng

Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng thị trường hàng không Việt Nam trong những năm qua vẫn đạt được những bước tiến rất đáng khích lệ với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%. Tiếp tục thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp ngành hàng không đã và đang tích cực đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và xu hướng hội nhập toàn cầu.

Chuyển biến mạnh nhất là Tổng Công ty (TCT) Cảng Hàng không miền Nam. Bên cạnh đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, thời gian qua, TCT đã đầu tư cải tạo 2 dự án hạ tầng quy mô lớn, đó là Cảng Hàng không Cần Thơ, Phú Quốc và mới đây nhất là Cảng Hàng không Liên Khương - Đà Lạt (với tổng vốn đầu tư 280 tỷ đồng). Và như vậy cùng với việc khai thác các chuyến bay nội địa, cả 3 công trình cảng hàng không nêu trên sẽ góp phần cùng Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp nhận và khai thác các chuyến bay quốc tế.

Sân bay Liên Khương - Đà Lạt mới được nâng cấp và đưa vào sử dụng.

Sân bay Liên Khương - Đà Lạt mới được nâng cấp và đưa vào sử dụng.

Bước tiếp theo trong tiến trình hội nhập cũng đã được TCT triển khai thông qua dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Theo phê duyệt ban đầu, với quy mô hiện đại và năng lực phục vụ 100 triệu hành khách/năm, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ là cảng hàng không hội đủ điều kiện không chỉ hội nhập hàng không quốc tế mà còn có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn, có uy tín trong khu vực.

Trong giai đoạn từ 2010 đến 2015 tập trung đầu tư, hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác sử dụng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với 2 đường hạ cất cánh (4.000m x 60m), các hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay đảm bảo đáp ứng yêu cầu khai thác máy bay A380, module 1 nhà ga hàng khách (công suất 30 triệu hành khách/năm), nhà ga hàng hóa công suất (2 triệu tấn hàng hóa/năm), cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật cho máy bay thân lớn cùng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ kèm theo.

TCT Cảng Hàng không miền Trung cũng có những bước chuyển lớn. Để thực hiện quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh giai đoạn đến năm 2020, TCT đã đầu tư xây dựng và tháng 12-2009 vừa qua đã đưa nhà ga hành khách Cảng Hàng không Cam Ranh vào hoạt động. Công trình nhà ga này có tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, diện tích sàn xây dựng gần 14.000m², sân đỗ máy bay và đường giao thông hơn 33.000m², sử dụng 2 cầu ống lồng dẫn khách... đáp ứng công suất 800 hành khách/giờ cao điểm, trong đó ga quốc nội 600 hành khách, ga quốc tế 200 hành khách/giờ cao điểm.

Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, Cảng Hàng không Cam Ranh phục vụ các hoạt động bay quốc tế trong khu vực và các hoạt động bay liên vùng Bắc bộ - Nam Trung bộ - Nam bộ, với quy mô cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp 1, đảm bảo phục vụ 24/24 giờ các loại máy bay B777 hoặc tương đương. Từ nay đến năm 2030, bằng các nguồn vốn huy động lên đến 10.523 tỷ đồng, Cảng Hàng không Cam Ranh sẽ được đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình hạ tầng phục vụ bay, như: nhà ga hàng hóa; các khu: công nghiệp, dịch vụ kỹ thuật, thương mại hàng không, khu quản lý khai thác, trung tâm huấn luyện đào tạo phi công thợ máy...

Qua đó, đến năm 2020, cảng này sẽ đáp ứng tiếp nhận tại giờ cao điểm 27 máy bay, với 5,5 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm; đến năm 2030 sẽ đạt mức 37 máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm, 8 triệu hành khách/năm và 200.000 tấn hàng hóa/năm.

Hiện nay, TCT Đảm bảo hoạt động bay đang tập trung đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng. Theo đó, đầu tháng 12-2009, TCT đã khởi công xây dựng Đài Kiểm soát không lưu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TWR/TSN). Công trình có tổng đầu tư 411,262 tỷ đồng, và dự kiến thời gian thực hiện trong vòng 18 tháng. Đây là một khâu trong dây chuyền cung cấp các dịch vụ đảm bảo hoạt động bay của TCT Đảm bảo hoạt động bay Việt Nam. TWR/TSN có chức năng ban hành huấn lệnh cho phép tàu bay cất/hạ cánh trong khu vực kiểm soát; đảm bảo khả năng dự phòng cho trung tâm kiểm soát không lưu đường dài (AACC/HCM) để cung cấp dịch vụ kiểm soát, tiếp cận; kiểm soát mặt đất; kiểm soát hoạt động bay quân sự.

TWR/TSN có khả năng cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay liên tục 24 giờ/ngày, 365 ngày/năm, điều hành tối đa 80.000 lượt tàu bay hạ, cất cánh/năm, đáp ứng các tiêu chuẩn khai thác của một đài kiểm soát không lưu theo tiêu chuẩn Hiệp hội Hàng không quốc tế - ICAO.

Ông Nguyễn Xuân Hiển - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TCT cho biết: Trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và tăng trưởng của hoạt động hàng không trong khu vực và thế giới, TCT sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nâng cấp các cơ sở điều hành bay. Trong đó có một số dự án lớn đang được triển khai và dự kiến hoàn thành vào năm 2011 đến 2012 như: dự án đầu tư xây dựng Đài Kiểm soát không lưu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Đài Kiểm soát không lưu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội tại khu vực Gia Lâm với quy mô và công năng hiện đại… nhằm phục vụ tốt công tác điều hành bay đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn của ICAO. Đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước… 

S.Nâu

Tin cùng chuyên mục