Ngành mía đường nước ta đang đứng trước muôn vàn khó khăn khi giá đường trong nước xuống thấp và bị đường Thái Lan nhập lậu thao túng thị trường. Giá mía nguyên liệu ở ĐBSCL liên tục sụt giảm và khó tiêu thụ, khiến hàng loạt hộ trồng mía như ngồi trên lửa. Hiện các nhà máy đường và nông dân đều thua lỗ, trong khi vụ sản xuất mía đường 2012 - 2013 còn rất dài. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, về những giải pháp tháo gỡ khó khăn và định hướng phát triển ổn định ngành mía đường.
- PV: Thưa ông, hiện nay nhiều hộ trồng mía ở ĐBSCL rất lo lắng khi vụ mía 2012 - 2013 mới khởi động hơn một tháng nhưng giá đã giảm mạnh. Còn các nhà máy đường cũng kêu la về giá giảm, khó bán, tồn kho tăng… Tình hình này xem ra trái ngược với vụ mía đường năm ngoái?
Ông NGUYỄN THÀNH LONG: Đúng là vụ mía đường năm nay khó khăn gấp nhiều lần so với năm ngoái, bởi ngành mía đường đang đối mặt với những bất lợi từ trong nước lẫn thế giới. Cụ thể, giá đường cát trong nước liên tục giảm chỉ còn 15.000 - 15.200 đồng/kg, giảm 3.000 - 3.500 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái. Với giá này sau khi trừ chi phí các nhà máy đường lỗ từ 500 - 800 đồng/kg. Đáng lo ngại là dù giá giảm nhưng các nhà máy chế biến vẫn khó bán được đường. Điển hình như 2 nhà máy Phụng Hiệp và Vị Thanh, từ đầu vụ đến nay sản xuất trên 12.000 tấn đường, nhưng mới bán được 30% sản lượng (lỗ hơn 10 tỷ đồng); 70% còn lại phải “ôm kho” chịu tốn kém thêm chi phí. Có nhiều yếu tố tác động làm giá đường giảm và khó tiêu thụ, trong đó căng nhất là mặt hàng đường trong nước đang bị đường nhập lậu của Thái Lan cạnh tranh.
Thống kê của các ngành chức năng, đường lậu tràn vào nước ta mỗi năm khoảng 400.000 tấn, bán giá thấp hơn đường trong nước từ 500 đồng/kg trở lên (tùy thời điểm), nên họ thao túng thị trường. Chúng ta thử hình dung, các nhà máy đường trong nước vừa phải đầu tư vùng nguyên liệu, sản xuất phải đóng thuế… còn các nhà kinh doanh đường lậu họ trốn thuế nên bán giá thấp. Vì vậy, đường trong nước không thể cạnh tranh lại.
Đối với thế giới năm nay các nước như Brazil, Trung Quốc, Thái Lan… đều tăng mạnh sản lượng đường. Theo dự báo của Tổ chức Đường thế giới, nếu như niên vụ mía đường 2010 - 2011, sau khi cân đối cung cầu, sản lượng đường thế giới thừa 1,3 triệu tấn; niên vụ 2011 - 2012, sản lượng đường thế giới tiếp tục thừa 5,2 triệu tấn; và niên vụ 2012 - 2013 này, lượng đường thừa tăng lên mức kỷ lục 5,85 triệu tấn (cao nhất trong 3 năm qua). Giá đường thế giới cũng giảm mạnh từ hơn 700 USD/tấn xuống còn 413 - 455 USD/tấn. Do giá đường thế giới và trong nước đều giảm, nên giá mía nguyên liệu ở ĐBSCL buộc phải giảm theo.
- Vì sao hơn 9.000 ha mía chạy lũ ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đến nay chỉ thu hoạch được 30%, dù giá mía giảm còn 700 - 800 đồng/kg, dưới mức giá thành sản xuất. Hiện nông dân nóng lòng bán mía nhằm tránh bị thiệt hại do mưa dầm và lũ tràn về, tuy nhiên thương lái mua rất ít?
Vùng mía chạy lũ huyện Phụng Hiệp năm nào cũng “nóng” và năm nay không ngoại lệ. Có điều các năm trước có nhiều nhà máy từ Long An, Bến Tre, Cà Mau… kéo về Phụng Hiệp tranh nhau mua mía (có năm mua cả mía non). Nhưng năm nay trái ngược, các nhà máy không mặn mà về mua mía khiến tiến độ thu hoạch rất chậm. Lý do đơn giản là sản xuất đường hiện nay không hiệu quả, nhà máy càng chạy - càng lỗ, vì vậy chẳng ai muốn về Phụng Hiệp mua mía, bởi đường vận chuyển xa tốn kém, chi phí lớn…
Để giải quyết hết 5.854 ha mía còn lại ở vùng lũ Phụng Hiệp, 3 nhà máy đường tại Hậu Giang là Vị Thanh, Phụng Hiệp và Long Mỹ Phát không thể chạy kịp. Do đó, hiệp hội đề nghị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các nhà máy khác ở ĐBSCL về hỗ trợ mua mía cho dân càng nhanh càng tốt. Nếu chậm trễ thì vùng mía chạy lũ ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) và một số vùng mía khác đã tới ngày thu hoạch. Lúc đó việc tiêu thụ mía sẽ càng khó khăn hơn.
- Sức cạnh tranh của ngành mía đường đến thời điểm này vẫn yếu kém so với các nước trên thế giới. Để tồn tại và phát triển, ngành mía đường cần mạnh dạn thay đổi những gì, thưa ông?
Nếu so với Thái Lan thì ngành mía đường của nước ta đi sau hàng chục năm. Hiện tại, nông dân Thái Lan sản xuất mía theo mô hình công nghiệp, trang trại, quy mô lớn… bình quân mỗi hộ canh tác từ vài chục tới vài trăm hécta, họ áp dụng cơ giới hóa trên đồng mía; từ đó giảm mạnh chi phí giá thành, chất lượng mía đạt rất cao khoảng 13 chữ đường. Ở nước ta ngược lại, sản xuất mía còn dạng nhỏ lẻ, chỉ 0,5 - 1 ha/hộ, làm theo dạng thủ công nên chi phí tăng cao, chất lượng mía thấp, bình quân chỉ 8 - 9 chữ đường.
Cụ thể, các nhà máy ở ĐBSCL sản xuất ra 1kg đường phải tốn tới 12.500 đồng tiền mua mía; trong khi Thái Lan chỉ mất hơn 6.000 đồng tiền mua mía để cho ra 1kg đường (do chữ đường mía của Thái Lan cao). Về chi phí nhiên liệu, vận hành, lao động… để ra 1kg đường, các nhà máy trong nước phải tốn thêm 3.000 đồng; ở Thái Lan chi phí này thấp do các nhà máy được điều khiển tự động. Như vậy, giá thành sản xuất 1kg đường trong nước khoảng 15.500 đồng (chưa kể lãi ngân hàng); ở Thái Lan giá thành chưa tới 10.000 đồng. Mức chênh lệch cao như vậy, nên các nhà máy đường trong nước luôn thua thiệt.
Khắc phục nhược điểm này, vấn đề đầu tiên là nhanh chóng nâng cao chất lượng vùng mía nguyên liệu. Tăng cường ứng dụng khoa học để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao chữ đường… Một khi mía đạt chữ đường càng cao thì chi phí về vận chuyển, tiêu hao nhiên liệu của nhà máy… sẽ giảm mạnh, kéo giá thành sản xuất đường giảm theo. Song song đó, quy hoạch lại đồng mía một cách hợp lý về thời vụ, nâng quy mô sản xuất lớn hơn, ứng dụng cơ giới hóa. Các nhà máy đầu tư thiết bị hiện đại, giảm số lượng lao động, tiến tới tự động hóa nhiều khâu nhằm giảm chi phí, tăng hiệu suất… Phía quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành mía đường về vốn, biện pháp ngăn đường lậu… Ngành mía đường cần sự thay đổi mạnh mẽ để phát triển ổn định.
- Xin cảm ơn ông.
Huỳnh Lợi thực hiện