Ngành rau quả khẳng định thương hiệu

Việt Nam đã tạo được những tiền đề quan trọng để phục vụ cho việc phát triển bền vững ngành hàng rau quả. 
Trái cây Việt Nam được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa
Trái cây Việt Nam được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa
Điển hình, việc tạo lập các cơ sở vật chất phục vụ hoạt động sản xuất và chế biến, xây dựng được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung… Đồng thời, bước đầu hình thành các vùng miền xuất khẩu, nội tiêu gắn liền với sản phẩm chủ lực; vùng chuyên canh rau, hoa...

Thời gian qua, những giải pháp phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong và ngoài nước (như kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp, sản xuất giống hoa chất lượng cao…) để nâng cao năng suất, chất lượng ngành rau quả đã được triển khai rộng khắp đi kèm với chú trọng hoạt động liên kết trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các mặt hàng chủ lực như trái vải, xoài cát, thanh long… Đặc biệt, ngày càng nhiều sản phẩm rau quả có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam được đầu tư, sản xuất có chứng nhận an toàn thực phẩm nội địa và quốc tế. 

Năm 2017, cũng là năm đầu tiên ngành rau quả xuất siêu gần 2 tỷ USD, đồng thời kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm trước và vượt 500 triệu USD so với mục tiêu đề ra. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả tiếp tục tăng trưởng cao với mức 604 triệu USD, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), hiện các thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hà Quốc, Hà Lan, Nga… Bên cạnh đó, Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu vào một trong những thị trường lớn và tiềm năng như Mỹ đối với nhiều mặt hàng gồm vải, thanh long, nhãn, vú sữa, chôm chôm… Một số doanh nghiệp dự đoán, mặt hàng xoài đang hoàn thiện thủ tục và sẽ sớm được xuất khẩu những đơn hàng đầu tiên vào thị trường Mỹ. Còn mặt hàng nhãn tươi có khả năng sớm được cấp phép nhập vào thị trường Australia trong năm nay hoặc đầu năm 2019. Với những tín hiệu tích cực này, giai đoạn hiện nay được nhận định là thời điểm thuận lợi để các đơn vị xuất nhập khẩu rau quả xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc tiếp cận và mở cửa được những thị trường khó tính đã giúp rau quả Việt Nam xây dựng được thương hiệu Việt trên bước đường hội nhập thị trường thương mại tự do, nhưng cũng đặt ra áp lực trong việc giữ được vị thế, uy tín. Trong đó, đặc điểm chung và phổ biến của những thị trường lớn và khó tính là thường đòi hỏi năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn cung… Chính vì vậy, các đơn vị xuất nhập khẩu Việt Nam cần đẩy mạnh khảo sát thị trường xuất khẩu, thị hiếu người tiêu dùng… để có những giải pháp góp phần định hướng sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. 

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành rau quả Việt Nam còn vướng một số rào cản và thách thức cần tháo gỡ để duy trì đà tăng trưởng cũng như để phát triển bền vững. Trong đó, có thể kể đến những hạn chế trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật canh tác tiên tiến… Đặc biệt, khi vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và ngành công nghiệp chế biến còn chậm phát triển. Cùng với đó là cơ sở dịch vụ hậu cần phục vụ thu hoạch, bảo quản chưa được chú trọng đầu tư. Báo cáo của các công ty nghiên cứu khảo sát thị trường cũng chỉ ra rằng, trên thị trường thế giới, nhu cầu rau quả hữu cơ tại các quốc gia phát triển ngày càng tăng cao. Cụ thể, tại các quốc gia châu Âu, tốc độ tăng trưởng thị trường rau quả hữu cơ từ 20% - 30%; còn tại Nhật Bản hơn 80%... Theo ông Rugguero Malossi, chuyên gia quốc tế, dự án EU-Mutrap, khi không đáp ứng đầy đủ các quy định và yêu cầu về chất lượng, hàng hóa sẽ khó xuất khẩu được vào thị trường EU. Điều này có thể hiểu, sẽ không có hàng hóa, sản phẩm nào chứa hoặc có dư lượng loại hóa chất hay thuốc trừ sâu đã bị cấm sử dụng, được tiếp cận thị trường EU. 

Trước bối cảnh hiện tại, giải pháp ưu việt nhất cho ngành rau quả Việt Nam là nắm bắt kịp xu hướng này, sản xuất và cung ứng những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế hơn là những mặt hàng truyền thống. Mặt khác, ngành rau quả Việt Nam cần tận dụng lợi thế kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh để thu hút thêm các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, cũng như tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với những thành phần tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng nông nghiệp theo định hướng xanh - sạch, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

Tin cùng chuyên mục