Ngành tư pháp cần làm tốt vai trò “gác cửa”

Ngày 23-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 của Bộ Tư pháp.

(SGGP).- Ngày 23-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 của Bộ Tư pháp.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lần đầu tiên Chính phủ không còn “nợ” nghị định, văn bản hướng dẫn những luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Trong kết quả đó, có vai trò rất lớn của Bộ Tư pháp. Nhiều quy định trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” tương đối kịp thời. Tuy nhiên, mặc dù có tiến bộ nhưng nhìn chung, công tác xây dựng pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng còn thấp, thiếu ổn định. Thủ tướng mong ngành tư pháp, với vai trò “gác cửa”, thẩm định luật pháp, cần tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, một trong 3 điểm nghẽn mà Đảng đã chỉ ra (cùng với điểm nghẽn về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng).

“Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, ngành nào đó. Chính bản thân Bộ Tư pháp cần rút kinh nghiệm và làm gương về những việc này”. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần làm tốt chức năng thẩm định các điều ước quốc tế và tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp các khía cạnh pháp lý để hạn chế rủi ro trong thương mại đầu tư quốc tế.

Trước đó, nhìn lại kết quả công tác năm 2016, Bộ Tư pháp cho biết, đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Quốc hội thông qua 12 luật, nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 1.000 văn bản. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm mạnh so với năm 2015, xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngành tư pháp đã thẩm định trên 11.800 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Qua kiểm tra, đã phát hiện 659 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền. Về công tác cải cách hành chính, Bộ Tư pháp đã thẩm định 783 thủ tục hành chính, đề nghị không quy định 141 thủ tục, sửa đổi 573 thủ tục. Về công tác thi hành án dân dự, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 530.000 việc, đạt tỷ lệ trên 78%. Về công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, cả nước hiện có hơn 11.500 luật sư và 3.700 tổ chức hành nghề luật sư.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục