Theo VPCP, sau 6 tháng khai trương Cổng DVCQG, đã có trên 41 triệu lượt truy cập, 159.000 tài khoản đăng ký, 9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 102.000 hồ sơ được thực hiện. Đến nay cổng đã tích hợp, cung cấp 458 dịch vụ công trực tuyến.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, là văn bản pháp lý quan trọng cho sử dụng văn bản điện tử, chữ ký điện tử, chữ ký số, giao dịch điện tử.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2019 có khoảng trên 102 triệu hồ sơ phải chứng thực công chứng. VPCP cho rằng, nếu người dân làm hồ sơ điện tử trên Cổng DVCQG mà vẫn nộp bản sao chứng thực, hoặc xuất trình bản giấy thì “không ổn” khi mất chi phí thời gian, chi phí xã hội. Vì vậy Chính phủ đã đồng ý triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG, thành lập tổ công tác triển khai dịch vụ này.
Với quy định bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Bản sao chứng thực điện tử được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần.
Theo tính toán, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm được là 429 tỷ đồng/năm. Đối với các cơ quan, sẽ thực hiện toàn bộ quy trình cấp bản sao chứng thực từ bản chính trên hệ thống Cổng DVCQG.
Các ý kiến tại cuộc họp đều cho rằng, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG là bước tiến lớn trong xây dựng Chính phủ điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử. Tới đây, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng thông tư, hướng dẫn để cụ thể hóa mẫu bản sao chứng thực điện tử; thống nhất về quy trình tiện lợi cho người sử dụng. Dịch vụ sẽ khai trương vào ngày 1-7 trên toàn quốc.