
Những thằng lính ốm yếu, gầy nhom, da dẻ đen nhẻm, ngồi quây quần xung quanh chiếc bàn, được phủ bởi một tấm bản đồ miền Đông và vùng phụ cận, vẽ đầy những mũi tên màu đỏ từ năm hướng vây chặt Sài Gòn. Chiếc radio hiệu Hitachi đặt trên bàn đang phát chương trình ca nhạc của Đài Phát thanh Giải Phóng, chợt cắt ngang nửa chừng.
Tiếng phát thanh viên run lên vì xúc động: “Mời các đồng chí và các bạn theo dõi bản tin thời sự đặc biệt của chúng tôi... Các đồng chí và các bạn thân mến, trước sức tấn công và nổi dậy như vũ bão của quân và dân ta, vào hồi 11 giờ 30 phút, ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng và bộ binh Quân Giải phóng đã chiếm được Dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh và nội các của ông ra đầu hàng vô điều kiện”.
Nghe xong bản tin trên, tôi xúc động đến gai người. Những mạch máu trong cơ thể tôi như rần rần, run lên.
Kim đồng hồ chiến tranh sẽ dừng lại mãi mãi ở thời khắc đó.

...Và ngày gặp mặt.
Ngay từ giữa năm 1966, khi nhận được “giấy mời” của chiến tranh, mọi người trong chúng tôi đều tin là cái ngày quang vinh này sẽ đến, vậy mà khi có được nó, chúng tôi vẫn thấy đột ngột. Thế là cuộc chiến tranh mười ngàn ngày – một cuộc chiến tranh vệ quốc dai dẳng, khốc liệt - đã kết thúc. Kể từ giờ phút này, cả dân tộc Việt Nam mới dừng bước hành quân. Chúng tôi chết lặng đi cả phút đồng hồ, nhấm nháp cái mẩu tin xúc động đó, cái mẩu tin tuyệt vời đó, nước mắt tự nhiên ứa ra, chảy tràn trên những gương mặt hốc hác, võ vàng...
“Chiến thắng rồi!” - Hình như Lương Duyên Hãng đã hét lên như vậy.
Sự khơi mào của anh làm tất cả chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ ốm yếu, phải nằm điều trị tại Bệnh viện K300, thuộc Cục Chính trị Miền đứng bật dậy, bá vai nhau, nhảy tưng tưng như những đứa trẻ. Vừa nhảy vừa hét, vừa nhảy vừa khóc. Khóc một cách tấm tức, hồn nhiên. Tôi không biết hiện thời, ở hậu phương lớn, ba mẹ tôi, làng xóm tôi, sau những năm tháng kiên nhẫn đợi chờ, sẽ xúc động như thế nào khi nhận được tin toàn thắng? Lúc đó, tôi chỉ muốn chạy ào về nhà, quỳ xuống đất nói với mẹ tôi một câu là: “Thưa mẹ! Con còn sống”!
“Con còn sống”, phải chăng đó là câu nói đáng giá nhất của người lính thời tao loạn, dâng cho cha mẹ của mình? Nhưng sẽ có bao nhiêu bà mẹ được nghe câu nói ấy và có bao nhiêu bà mẹ không bao giờ được nghe câu nói ấy?
Có tiếng súng vang lên từ một cánh rừng nào đó. Rồi thì nhiều loạt súng vang lên. Cánh rừng trong căn cứ thuộc Bộ Chỉ huy Miền tràn ngập tiếng súng như đánh trận.
Hãng cũng xách khẩu AK đặt trên giá, lên đạn, chĩa lên trời, siết cò.
Bắn đi! Bắn để mừng chiến thắng, bắn để báo cho những thằng bạn đã chết là chúng ta đã giành được Tổ quốc một cách trọn vẹn. Bắn, để giã từ cuộc chiến mấy mươi năm...
Trong tiếng súng thưa thớt dần, với cây gậy trong tay, tôi lặc lè, ráng sức bươn qua một quả đồi đất đỏ, đến báo cho em tin chiến thắng.
Bầu trời miền Đông trưa hôm đó sao mà xanh đến thế. Xanh đến nhức nhối, ngột ngạt. Sau những cơn mưa đầu tiên, cây rừng bắt đầu trổ lộc. Có một cái gì đó đang thực sự chuyển động trong đất và trời.
Nghe tin tôi báo, em đứng sững người trong giây lát. Rồi khi không, em hét lên đuổi tôi đi, hai tay bưng lấy mặt, chui vào nhà, khóc một mình. Tôi đứng chôn chân trước nhà không biết bao lâu, rồi em lại xuất hiện. Lần đầu tiên trong đời, em đã vượt qua tất cả các rào cản, các quy định ngặt nghèo của một đơn vị quân đội, dang hai tay ra, ôm tôi vào lòng. Em lại khóc. Trong cặp mắt em, ngoài niềm vui còn có một nỗi buồn nào đó thật sâu xa, diệu vợi. Nỗi buồn ấy là gì, tôi không thể lý giải được.
Lương Văn Luy vừa từ Sài Gòn trở về. Anh thảy cho tôi gói thuốc lá “Quân tiếp vụ”, rồi kể cho tôi nghe nhiều tin nóng hổi từ mặt trận. Luy kể rằng, dọc đường 13, quân đội Sài Gòn tan rã, trút bỏ súng đạn, quân trang đầy đường. Họ đi thành từng đoàn nhếch nhác, bạc nhược.
Thấy xe có cắm cờ Quân Giải phóng chạy qua, đứa thì cúi đầu, đứa thì tươi cười, đưa tay vẫy. Đang say sưa kể chuyện, chợt Luy dừng lại, hỏi tôi là còn nhớ Triệu Minh, Chính trị viên Tiểu đoàn 6 không. Tôi gật đầu, trả lời anh là tôi mới uống rượu với Minh ở mặt trận Bến Cát, hồi tháng 3. Luy bảo là Minh đã hy sinh rồi. Minh hy sinh vào lúc 13 giờ, sau khi Dương Văn Minh ra lệnh cho các đơn vị quân đội Sài Gòn hạ vũ khí!
“Tại sao lại có chuyện ấy”?
“Tiểu đoàn của Minh đang bao vây một trung đội địch ở khu vực Lai Khê, thì nhận được tin Sài Gòn đã đầu hàng! - Luy kể - Nhưng quân địch ở đây vẫn điên cuồng chống trả. Nếu ra lệnh cho bộ đội nổ súng tiêu diệt thì đó là điều quá dễ dàng với Minh. Nhưng chính trị viên không muốn có thêm một người nào chết nữa. Suy nghĩ một hồi, anh đã lao lên khỏi chiến hào, tay cầm loa kêu gọi địch ngừng chống trả.
Khốn thay, một loạt đạn từ phía bên kia đã bắn thẳng vào anh. Sự cố này đã làm cho các chiến sĩ trong tiểu đoàn tức giận. Họ trút đạn không thương tiếc vào quân thù... Luy thở dài, bình luận - Hành động trả thù của tiểu đoàn rõ ràng là không nên, không còn cần thiết nữa, nhưng biết làm sao được, chiến tranh luôn tồn tại những điều phi lý”.
Tôi lặng đi một hồi lâu khi nghe về cái chết đau đớn của Minh. Đúng ra, việc làm của anh phải được tuyên dương. Tiếc thay, trong niềm vui quá lớn của chiến thắng, chẳng ai buồn quan tâm đến hành động cao cả, đầy nhân ái của Minh nữa. Về mặt chuyên môn, cơ quan khen thưởng không bao giờ xét công trạng cho ai mà không có thành tích cụ thể, rõ ràng. Còn quá nhiều nghịch lý trong cuộc sống. Nhưng với tôi, Minh mãi mãi là một biểu tượng cao đẹp. Anh chỉ có thể hành động như vậy khi tình yêu con người cao hơn bản thân anh.
Buổi chiều, họa sĩ Võ Xưởng và nhà văn Trần Ninh Hồ đạp xe từ căn cứ ra K300 đón tôi. Các anh chuyển lời của nhà văn Thanh Giang, Phó chủ nhiệm Tạp chí Văn Nghệ Quân Giải phóng, yêu cầu tôi là nếu bệnh xá cho phép thì về cơ quan ngay, để sớm mai lên xe về Sài Gòn.
“Cậu có định ăn bữa cơm cuối cùng với bệnh xá không”? - Anh Võ Xưởng hỏi.
“Ăn làm khỉ gì - Trần Ninh Hồ nói - Ở nhà vô khối đồ ăn”.
Đêm hôm ấy, đêm đầu tiên của hòa bình, không còn đạn bom, kẻ thù rình rập mà chúng tôi không sao ăn được, không sao ngủ yên được. Hồn vía lúc nào cũng như ở trên mây. Cứ nhắm mắt là lại thấy đồng đội hiện về... Tôi nhớ Bùi Tá, bạn thân của tôi - một chính trị viên đại đội gương mẫu, tận tụy. Trong lúc khó khăn, thiếu thốn, anh đã nhường cả khẩu phần ăn ít ỏi của mình cho đồng đội.
Và, cuối cùng anh đã chết vì kiệt sức. Chúng tôi khiêng thi hài anh lên trạm xá. Bác sĩ, bệnh xá trưởng quyết định mổ tử thi để tìm hiểu nguyên nhân cái chết. Khi lưỡi dao rạch một đường dài trên cơ bụng của anh, tôi nhìn thấy một thứ dung dịch màu đỏ nhạt rỉ ra. Tôi không tin đó lại là máu. Rồi người ta đem trái tim của anh ra. Trái tim to như trái bưởi, thành tim mỏng như tờ bìa, nhão bấy, nằm bẹp trên cái khay nhôm. Bùi Tá trở về với tự nhiên với một cái bụng rỗng, đầy cỏ. Anh chết vì đói và thiếu chất.
Tôi nhớ đến một người mà tôi mến yêu, vào năm Mậu Thân máu lửa. Em bị thương ở chân và bị chết một cách oan uổng vì không làm sao tìm được thầy thuốc chữa trị cho em trong cơn bấn loạn bởi chiến tranh. Lúc tôi tới, thân thể em đã cứng đờ, mắt trắng dã, trợn trừng.
Văn, tiểu đội trưởng, nói là em đã đi từ lúc rạng sáng. Tôi dùng cồn bóp vào các khớp xương trên người em cho cơ thể mềm lại. Trước khi đem chôn, tôi lảm nhảm nói với em là chúng tôi có lỗi. Chúng tôi đã không làm được gì hơn để cứu em. Em hãy tha lỗi cho chúng tôi. Hãy phù hộ cho chúng tôi, những thằng lính quá nhỏ bé, chẳng có tài năng gì để có thể thay đổi sự nghiệt ngã mà số phận đã bất công dành cho em.
Điều kỳ lạ và không sao hiểu nổi là khi tôi vừa nói xong, máu từ khóe miệng em ộc ra, đỏ tươi. Và, trong cặp mắt trắng dã đông cứng, vô hồn của em ứa ra hai hàng lệ. Trong cuộc đời của mình, tôi luôn bị ám ảnh bởi giây phút thiêng liêng ấy. Tôi cảm thấy như có một sợi dây liên hệ thần bí nào đó giữa phần hồn của những con người.
Tôi cũng không sao có thể quên được Văn, bạn thân yêu của tôi, một nhà thơ tương lai đã hy sinh sau khi em mất đúng nửa ngày. Văn chết bởi một trái đạn 106,7mm nổ gần. Chúng tôi đã tìm kiếm, nhặt từng mẩu thi thể của anh, rồi chôn một cách vội vàng trên một cánh đồng hoang, trước khi rời khỏi chiến trường...
Sau một đêm thức trắng, sáng sớm hôm sau, chúng tôi lên xe về Sài Gòn. Đường 13 máu lửa giống như một con rắn trườn về phía trước. Xe chúng tôi quằn quại bò qua những hố bom còn nồng mùi khói đạn. Tôi nhìn lại con đường, tâm trạng buồn vui lẫn lộn.
Khoảng cách từ Bộ Chỉ huy Miền đến Sài Gòn chỉ có 120 km, vậy mà chúng tôi phải đi mất mười lăm năm. Mười lăm năm, thịt xương của bao thế hệ rải dọc con đường về thành phố.
Năm 2005
VĂN LÊ