Sáng 9-12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, kỳ họp lần thứ 12 HĐND TPHCM khóa VIII đã khai mạc.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng đánh giá, năm 2013, tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước đạt hơn 764.000 tỷ đồng, tăng 9,3% - cao hơn cùng kỳ năm 2012 (tăng 9,2%). Mức tăng của từng quý theo hướng quý sau cao hơn quý trước (mức tăng tương ứng của từng quý là 7,6%, 8,1%, 10,3% và 10,7%). UBND TP nhận định tăng trưởng kinh tế của TP đã có dấu hiệu phục hồi. Nhận định tình hình trong 3 năm qua (2011-2013), lãnh đạo TP cho rằng, kinh tế TP duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, hợp lý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chỉ số giá tăng thấp… Nhiều kết quả trên các mặt văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh cũng được ghi nhận tích cực. Mặc dù vậy, UBND TP cũng nhìn nhận chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao; tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng, năng suất lao động còn thấp. Kết cấu hạ tầng quá tải, yếu kém cùng với tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến mục tiêu cải thiện chất lượng sống của nhân dân…
Lo lắng trước kim ngạch xuất khẩu giảm sút
Tại buổi thảo luận tổ, hầu hết đại biểu ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực lớn của lãnh đạo TP trong chỉ đạo, điều hành để kinh tế - xã hội TP đạt được những thành quả quan trọng, hoàn thành nhiệm vụ Trung ương giao; đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn chung. Cụ thể như vấn đề giải quyết nợ xấu, thu ngân sách, công tác an sinh xã hội…
"Tỷ lệ khu phố văn hóa, phường văn hóa ngày càng tăng - số liệu thấy “êm quá”, nhưng tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp, trộm cắp cứ nhan nhản. Nhiều vấn đề liên quan đến “văn hóa” đang phải… báo động. Dường như có sự mâu thuẫn giữa báo cáo và thực tế, nên cần có sự đánh giá lại!" Đại biểu Trần Văn Khuyên |
Tuy vậy, vẫn không ít vấn đề còn nhiều băn khoăn. Đại biểu (ĐB) Võ Văn Sen cho rằng, trong 15 chỉ tiêu TP của năm 2013, có 6 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu không đạt. Trong 4 chỉ tiêu không đạt ấy lại có đến 3 chỉ tiêu rất quan trọng gồm: tốc độ tăng trưởng GDP, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. Trong lịch sử phát triển TP, dường như chưa bao giờ kim ngạch xuất khẩu lại giảm thấp như vậy. Trong khi đó, lý do không đạt mà báo cáo UBND TP nêu ra không thuyết phục. ĐB Võ Văn Sen đề nghị UBND TP giải trình rõ vì sao kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng nhưng TPHCM lại giảm mạnh. Phải phân tích đúng nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Có lẽ sự đầu tư của TP cho xuất khẩu chưa đúng mức nên chỉ tiêu này giảm sút. Góp thêm tiếng nói, ĐB Văn Đức Mười đề xuất TP cần phân tích rõ hơn kết cấu trong xuất khẩu để có giải pháp tích cực tác động vào chỉ tiêu này. Đối với chỉ tiêu đầu tư phát triển không đạt, ĐB Lâm Đình Chiến cho rằng phải có giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện. “Hiện nay, số lượng mặt bằng kho bãi còn rất lớn. TP phải quyết liệt xử lý để tạo nguồn cho đầu tư phát triển, vì cứ nếu để trống như vậy thì lãng phí ghê gớm lắm” - ông Chiến đề xuất.
Ngoài ra, ghi nhận TP làm tốt vấn đề giải quyết nợ xấu, tuy nhiên, các ĐB mong mỏi trong năm 2014, TP cần có giải pháp đột phá để giải quyết nợ xấu được nhanh hơn. TP đóng góp phần lớn nguồn thu cho Trung ương, chỉ được giữ lại 23% là quá thấp, vì TP có nhiều nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cần đầu tư.
Phòng chống tội phạm phải thường xuyên, liên tục
Nhiều ĐB bày tỏ lo ngại trước tình hình tội phạm trộm cắp gia tăng, đặc biệt ở khu dân cư, vùng ven. ĐB Nguyễn Thanh Bình bức xúc: trộm cắp tài sản tăng đột biến, chiếm đến khoảng 53% trong án hình sự. Trong khi đó, giải pháp cho vấn đề này trong năm 2014 UBND TP đề ra vẫn là những giải pháp cũ. ĐB Nguyễn Văn Tươi (huyện Bình Chánh) đặt vấn đề: tội phạm xảy ra nhiều nhưng do kẽ hở của pháp luật nên sự trừng phạt chưa nghiêm. Chẳng hạn như theo quy định của Bộ luật Hình sự, người nào trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự, nên đối tượng phạm tội sẽ tính toán, chỉ trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng. Người dân bắt được kẻ trộm giao cơ quan công an, nhưng do kẽ hở này nên phải thả về, khiến người dân hoang mang và nghi ngờ vào tính nghiêm minh của pháp luật. Do vậy, ông đề nghị TP kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật để phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo tính răn đe. Các ĐB khác đề nghị cần có những giải pháp căn cơ, cụ thể để chủ động ngăn ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo sự an tâm nơi người dân, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán đang đến. ĐB Võ Văn Sen thông tin, bên cạnh tội phạm cũ thì còn xuất hiện loại tội phạm mới. Đó là làm bằng giả, chữ ký giả, con dấu giả tại các cơ quan, đơn vị, trường học nên cần có giải pháp cho thực trạng mới này. Có ĐB góp ý: “Chống tội phạm cần gì phải căng thẳng, nếu làm thường xuyên liên tục chắc chắn tội phạm sẽ giảm, còn làm theo phong trào, theo đợt cao điểm, theo chỉ đạo thì không giải quyết được cốt lõi vấn đề, vì khi ra quân, tội phạm né đi nơi khác, khi hết ra quân tội phạm tiếp tục quay lại gây án”.
Giám sát vấn đề dân quan tâm Công tác giám sát cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra, yêu cầu chú trọng giám sát các vấn đề dân quan tâm. ĐB Dương Văn Nhân nêu một số công trình quy hoạch đã lâu nhưng đến nay chưa thực hiện xong như dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú), dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên… Ông Nhân đề nghị tập trung giám sát những dự án quy hoạch kéo dài quá lâu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Theo ĐB Trần Trọng Dũng, giá dịch vụ khám, chữa bệnh tăng sẽ liên quan đến hàng triệu người dân, cần tăng cường hoạt động giám sát để tránh tình trạng không kiểm soát được việc tăng giá này. Đề cập đến vấn đề xây dựng sân golf trong sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang được rất đông người dân TP quan tâm, ĐB Phan Thanh Hải (huyện Hóc Môn) nói: “HĐND TP cần có ý kiến chính thức đồng tình hay không về việc này. Bản thân tôi cho rằng không nên vì sẽ gây nên sự ô nhiễm môi trường dưới lòng đất, kéo theo đó là việc xây dựng nhà hàng, khách sạn... Sân bay Tân Sơn Nhất chưa thực hiện hết công năng, giờ lại tính chuyện xây sân golf là không phù hợp”. |
VÂN ANH - ÁI CHÂN